Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" không chỉ đơn thuần là hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phế thải, khơi thông cống rãnh… mà điều quan trọng nhất là góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong việc xây dựng tư duy "sống xanh" và bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố Huế cần xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức "Ngày Chủ nhật xanh" phù hợp với từng điều kiện của mỗi địa phương. Rà soát, xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; đồng thời, tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt đến tổ dân phố, thôn, bản tổ chức dọn vệ sinh môi trường vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần; xây dựng mô hình làng xã xanh - sạch - sáng; mô hình biến điểm rác thải thành vườn hoa, góp phần chung tay xây dựng một môi trường trong xanh.
Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động vào đầu năm 2019 và đã trở thành phong trào nhằm nâng cao ý thức chung của cộng đồng xã hội chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, có sức lan tỏa lớn. Không chỉ dừng lại ở phong trào mà "Ngày Chủ nhật xanh" đã trở thành một nếp sống đẹp, dần xây dựng ý thức, thói quen của người dân, là hoạt động thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, làm thay đổi diện mạo từ đô thị đến nông thôn, số lượng điểm đen về ô nhiễm đã giảm bớt, chất lượng đời sống nhân dân được nâng cao.
Ngay sau Lễ phát động, hơn 500 cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân ra quân trồng cây xanh và ra quân vệ sinh môi trường tại các địa điểm xung quanh Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Hương Vinh và Phố cổ Bao Vinh, thành phố Huế. Ngoài ra, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế cũng đồng loạt tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị và cảnh quan khuôn viên xung quanh nơi làm việc.
Cùng ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tổ chức Lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2023 và tiến hành thả hơn 207.000 con cá gồm các loại như cá lóc, cá chép, cá rô đồng, cá trắm và cá mè vào sông Hương nhằm bổ sung giống loài; tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh trưởng, sinh sản và phát triển nhằm cân bằng môi trường hệ sinh thái.
Tại buổi Lễ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế Nguyễn Đình Đức kêu gọi các tổ chức và cá nhân cùng đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền đến mọi người dân không khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai thác thủy sản bằng các nghề hủy diệt gây cạn kiện nguồn lợi thủy sản.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và tiến hành thả các giống loài thủy sản vào các thủy vực nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và môi trường thủy sinh nói riêng. Trong năm 2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành thả hơn 4 triệu con giống vào các thủy vực sông, hồ chứa, đầm phá và biển; tăng gần 2,7 lần so với năm 2021.