Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đã được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa, con người Sơn La.
Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, nội dung sâu sắc, thiết thực, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn từ năm 2008 - 2022, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật, sáng tác trên 10.000 tác phẩm; trong đó, trên 300 tác giả, tác phẩm đoạt các giải quốc tế, khu vực, quốc gia, cấp tỉnh, cấp Hội. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng cũng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên. Đội ngũ văn, nghệ sĩ các dân tộc trong tỉnh luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, đoàn kết, hăng say nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sơn La có 12 chi hội và 6 chi hội chuyên ngành của Trung ương sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, với 278 hội viên. Toàn tỉnh có 1 Nghệ sĩ Nhân dân, 21 Nghệ sĩ Ưu tú, 35 người được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân Nghệ nhân Ưu tú.
Cùng với đó, công tác giao lưu văn học, nghệ thuật trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là với nước bạn Lào ngày càng mở rộng. Tỉnh thường xuyên đăng cai tổ chức và tham gia các chương trình liên hoan, hội thi, hội diễn, trình diễn, các hoạt động giới thiệu quảng bá di sản văn hóa phi vật thể; phối hợp thực hiện hiệu quả việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Xòe Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, nêu bật những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định vai trò là một trong những nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực để các văn, nghệ sĩ say mê sáng tác, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng thực hiện hiệu quả việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, các câu lạc bộ văn học nghệ thuật; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, các nghệ nhân dân gian, định hướng tốt cho đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh trong điều kiện mới… Tỉnh cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn học, nghệ thuật; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật. Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động; phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, khả năng sáng tạo của hội viên; tiếp tục củng cố, phát triển các chi hội văn học, nghệ thuật ở các huyện, thành phố và các chi hội chuyên ngành.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đề nghị các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; triển khai tốt các chương trình, nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật để nâng cao khả năng dự báo và định hướng xây dựng văn hóa, con người Sơn La. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa các cấp; chú trọng bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa; các loại hình nghệ thuật, lễ hội, nghi lễ truyền thống, di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.