Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, giải pháp căn cơ của tỉnh vẫn là thực hiện phương châm “thuận thiên”, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt; đồng thời nâng ý thức trong việc sống chung với hạn mặn để có giải pháp thích ứng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với những vùng nước mặn.
Đồng bộ các giải pháp
Theo UBND tỉnh Bến Tre, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá gay gắt, dù không khốc liệt như năm trước. Một số thời điểm, độ mặn cao nhất đạt mức 9‰; độ mặn 4‰ đã ảnh hưởng hơn 50% xã và độ mặn 1‰ đã ảnh hưởng hơn 90% xã trên địa bàn tỉnh. Trên các tuyến sông, kênh, rạch của toàn tỉnh hiện nay nước mặn xâm nhập khá sâu vào nội địa, độ mặn 4%o đã xuất hiện ở những nơi cách cửa sông từ km - 53km.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, với sự chủ động, quyết liệt triển khai kế hoạch ứng phó với nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là việc hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình trình cống ngăn mặn. Từ đó, góp phần hạn chế thiệt hại đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng nước cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Đáng chú ý, việc cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được tập trung thực hiện, hạn chế thấp nhất tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, để ứng phó với hạn mặn, tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; cùng một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và Tp. Bến Tre.
Theo kế hoạch, năm 2021, dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng cống Kênh Cũ, thành phố Bến Tre và tuyến đê bao ven sông Hàm Luông từ cống Cái Mít đến cống Cầu Kinh thuộc huyện Giồng Trôm. Cùng với đó, dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 11 cống Cái Cá, Nhà Thờ, Cả Ráng Giữa, Bến Luông, Xẻo Ngang, Năm Lai, Giồng Luông, Tân Tập (Cầu Đất), Tân Ngãi, Tàng Dù, Cả Ráng Dòng.
Cùng với việc thực hiện sớm các công trình, dự án, tỉnh tiếp tục phát động việc trữ nước trong dân bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ. Cụ thể, tuyên truyền, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt; chủ động tạo nguồn nước ngọt trong từng hộ gia đình, khu vực, khai thác từ nguồn nước trong các giếng truyền thống...
Không giống như những năm trước, mùa khô 2020-2021, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã có những cách làm bài bản, khoa học hơn trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt; điều này góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hạn mặn. Đến nay, đa phần các hộ dân đều không phải lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng như mùa khô năm trước.
Vào các đợt hạn mặn khốc liệt những năm trước đây, “vương quốc” cây giống, hoa kiểng và cây ăn trái huyện Chợ Lách là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn. Vì lẽ đó, năm nay, người dân và các cơ sở sản xuất cây giống, hoa kiểng, các vườn trồng cây ăn trái ở Chợ Lách đã sớm triển khai nhiều giải pháp trữ nước ngọt. Các mô hình trữ nước trong mương rạch, mương vườn, sử dụng túi trữ nước và đào ao lót bạt trữ nước được người dân ưu tiên lựa chọn.
Ông Trịnh Văn Bình, trú tại ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách chia sẻ, hiện hạn mặn chưa gây ảnh hưởng cho cơ sở sản xuất cây giống của gia đình. Sau khi bị thiệt hại khá nặng ở mùa khô năm trước, năm nay, theo khuyến cáo của ngành chức năng, ông đã sớm ứng phó hạn mặn bằng cách trữ nước ngọt trong túi trữ nước, đào ao trữ nước để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn mặn.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết, diễn biến mặn xâm nhập ở địa phương đến thời điểm này ít ảnh hưởng so với mùa khô năm trước. Độ mặn trên hai nhánh sông Hàm Luông và Cổ Chiên, thấp hơn so với năm trước, chỉ khoảng 2 phần nghìn và mặn lên xuống theo triều.
Ông Trần Hữu Nghị thông tin thêm, hiện nay, một trong những mô hình hiệu quả nhất trong ứng phó xâm nhập mặn ở huyện Chợ Lách là đắp đập tạm ngăn mặn. Huyện đang triển khai đắp 10 đập tạm theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mỗi đập tạm này có khả năng phục vụ cho khoảng 200-300 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, từ những kinh nghiệm trong phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn các năm trước, ngay từ tháng 9/2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu mùa khô 2020-2021.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã thực hiện bố trí cơ cấu mùa vụ, gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông xuân 2020-2021 ở các vùng ven biển, nhằm hạn chế ảnh hưởng của nhập mặn. Đặc biệt, ưu tiên các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, chịu phèn để thuận cho việc cung cấp nước tưới.
Nỗ lực ứng phó lâu dài
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, những năm gần đây, tỉnh thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn ngày càng nhiều hơn, sâu hơn và dài ngày hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bến Tre đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc-Nam Bến Tre, với tổng diện tích khoảng 194.800 ha đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn. Các công trình cống đập Ba Lai, hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín như: hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước sử dụng ODA vốn vay của Chính phủ Nhật bản (JICA3) vừa triển khai giai đoạn thiết kế và đấu thầu xây lắp…
Do đó, tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Điều này cho thấy, xâm nhập mặn đang trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết đối với tỉnh Bến Tre, bởi ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Theo ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, để đảm bảo an ninh nguồn nước, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Dự án hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam và Bắc Bến Tre. Trước mắt, nhằm hoàn chỉnh cơ bản khép kín hệ thống thủy lợi Nam và Bắc Bến Tre vào năm 2025, tỉnh tranh thủ huy động nguồn vốn khoảng 1.200 tỷ đồng để thi công các công trình ngăn mặn.
Để ứng phó với xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Bến Tre sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn. Tỉnh phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, nhằm ổn định đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.
Về lâu dài, tỉnh sẽ theo sát diễn biến tài nguyên nước, thông tin dự báo ngắn hạn và dài hạn để chủ động bố trí sản xuất phù hợp, khuyến cáo người dân thay đổi mùa vụ, cây trồng, tập quán canh tác để thích ứng với điều kiện nguồn nước, nhất là những năm cực đoan.
Cùng với đó, tỉnh đầu tư nguồn lực để kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân; rà soát, triển khai các quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch ngành liên quan; đảm bảo sự liên kết, thống nhất giữa quy hoạch các cấp, ngành, vùng….