Để góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng sầu riêng, tăng thu nhập cho người sản xuất và góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2030, địa phương đã lập và triển khai Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022. Địa bàn triển khai tại 4 huyện, thị chuyên canh sầu riêng trọng điểm bao gồm: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và Thị xã Cai Lậy.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, mục tiêu Dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và vị thế của thương hiệu trái sầu riêng Tiền Giang, đủ năng lực cạnh tranh với các thương hiệu sầu riêng từ các địa phương khác; tạo lập môi trường hợp tác, phát triển tiến tới hình thành các tổ chức sản xuất áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và phát triển cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và hạn hán.
Tuy mới được chính thức triển khai từ tháng 8/2022 đến nay, Dự án đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều nội dung trọng tâm được thực hiện trong toàn vùng chuyên canh, bước đầu mang lại hiệu quả, như: Tập huấn nâng cao năng lực hợp tác xã, hướng dẫn xây dựng dự án liên kết tiêu thụ sầu riêng của Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), tổ chức Hội nghị gặp gỡ - kết nối giữa doanh nghiệp với Hợp tác xã, thúc đẩy hoàn thiện mã số vùng trồng,…
Để nâng cao năng lực của các hợp tác xã và tổ hợp tác, làm cầu nối liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đã mở 2 cuộc tập huấn tư vấn quy định pháp luật về Luật Hợp tác xã 2012 cho 60 lượt hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Tân Thanh, huyện Cái Bè và xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy để người dân tự nguyện tham gia. Đổng thời, còn thành lập mới Hợp tác xã Nông sản và Du lịch Long Khánh (xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy) với 40 thành viên.
Song song đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 91 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.417,263 ha; đã có 2 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 93,27 ha và 3 vùng trồng đã gửi báo cáo khắc phục sau khi được kiểm tra trực tuyến.
Chi cục còn phối hợp với địa phương tổ chức 8 cuộc tập huấn hướng dẫn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng sầu riêng tại các xã thuộc huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, thu hút 400 lượt người tham dự, đạt 100% kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, từ kết quả đạt được sau hai tháng chính thức triển khai Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sầu riêng tỉnh Tiền Giang năm 2022, trong các tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thiết lập mã số vủng trồng trên cây sầu riêng gắn với quảng bá sản phẩm, tiến độ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nhằm giải quyết tốt đầu ra cho trái sầu riêng xuất khẩu, ổn định cuộc sống người dân vùng chuyên canh.
Ngành nông nghiệp phối hợp các cấp, các ngành hữu quan và các địa phương sẽ tập trung thực hiện rốt ráo nhiều công việc trọng tâm sắp tới như: Tiếp tục hỗ trợ các địa phương thiết lập hồ sơ xin cấp mã số vùng sản xuất sầu riêng tại địa bàn của mình, tập huấn hướng dẫn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng cho người sản xuất sầu riêng song song với tăng cường giám sát vùng trồng đã được cấp mã số cũng như tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới các hợp tác xã và tổ hợp tác trong vùng chuyên canh...