Tiền Giang kiểm soát giá, cung ứng hàng hóa ổn định trong mùa dịch

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có mạng lưới 175 chợ, 4 siêu thị lớn, hàng trăm cửa hàng bách hóa, tiện ích và và nhiều cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ đang hoạt động. Từ đó, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá cả ổn định trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương là đầu mối tiếp nhận hàng hóa đóng góp và phân phối đến các khu cách ly. Ảnh minh họa: Hữu Chí/TTXVN

Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cũng cho hay, ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường quản lý về giá nên giá cả thị trường được kiểm soát tốt; không có biến động thị trường lớn và chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu và hàng hóa khác trên địa bàn Tiền Giang vẫn đảm bảo ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân nói chung.

Lợi thế của tỉnh là có chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc và An Thạnh (huyện Cái Bè) với hàng trăm doanh nghiệp chuyên doanh mặt hàng lúa gạo cung ứng thị trường trong ngoài nước, có tổng lượng kho có sức chứa trên 45.000 tấn gạo. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp kinh doanh gạo tiềm lực lớn như: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty TNHH Phước đạt,... luôn có hệ thống kho trữ bảo quản lớn. Vì vậy, lượng gạo dự trữ của các doanh nghiệp trong tỉnh dồi dào, đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ thị trường trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Tiền Giang cũng tăng cường các hoạt động thương mại nội địa nhằm đạt mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, tỉnh chú trọng đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng thương mại nông thôn; tăng cường xúc tiến thương mại nội địa; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân cũng như quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đặc trưng của các làng nghề, ngành nghề ra thị trường.

Vừa qua, Tiền Giang đã hoàn thành và đưa chợ Thạnh Yên (huyện Gò Công Tây) vào hoạt động có tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 10,16 tỷ đồng đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư thêm 6 ngôi chợ nông thôn mới tại các địa bàn trọng điểm trong các tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp cùng các ngành hữu quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp... tiếp tục nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với chủ đề “Tự hào hàng Việt”, tổ chức các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đồng thời mở rộng mạng lưới điểm bán và giới thiệu sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh của Tiền Giang nhằm quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm đặc sắc địa phương.

Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, với nỗ lực tăng cường thương mại nội địa, đảm bảo lưu chuyển hàng hóa nói chung và phục vụ thị trường trong mùa dịch nói riêng và trong 6 tháng đầu năm 2021 nói chung, Tiền Giang đã đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh trên 33.827 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so cùng kỳ năm trước và đạt 48,2% chỉ tiêu cả năm.

Minh Trí (TTXVN)
Tiền Giang siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 gắn với nâng cao hiệu quả điều trị
Tiền Giang siết chặt kiểm soát dịch COVID-19 gắn với nâng cao hiệu quả điều trị

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo cho biết, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị khẩn trương phòng, chống dịch với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN