Thực hiện Nghị quyết 86/NQ-CP:

Tiền Giang phát huy vai trò các pháo đài 'vùng xanh' phòng, chống dịch

Để tận dụng "thời gian vàng" thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/ CT-TTg, tỉnh Tiền Giang tăng cường thiết lập, bảo vệ và mở rộng các “vùng xanh” nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, giữ vững thành quả phòng, chống dịch. Tỉnh xác định “vùng xanh” là vùng an toàn, chưa phát sinh dịch bệnh hoặc đã phát sinh dịch bệnh nhưng được kiểm soát qua ít nhất 14 ngày không có trường hợp nghi nhiễm, nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Sơ chế rau tại Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) trước khi cung cấp cho nhà tiêu thụ. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Phạm vi “vùng xanh” do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp xác định dựa vào địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên, mức độ nguy cơ trong phòng, chống dịch COVID-19. Có các “vùng xanh” quy mô ấp hoặc khu phố, “vùng xanh”  liên ấp hoặc liên khu phố, “vùng xanh” cấp xã, “vùng xanh” liên xã, “vùng xanh” cấp huyện... Tuy nhiên, “vùng xanh” được xác định phạm vi rộng phải chia ra thành nhiều khu vực nhỏ vừa đảm bảo công tác quản lý, kiểm soát người ra vào vừa đảm bảo tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa, phục vụ cấp cứu, chữa cháy và yêu cầu khẩn cấp khác.

UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện khoanh vùng, thu hẹp khu vực có dịch, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh trên diện rộng, khuyến khích sáng tạo nhiều mô hình mới, cách làm hay trong việc thiết lập bảo vệ và mở rộng “vùng xanh”. Tỉnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về nội quy, phạm vi, vị trí “vùng xanh” cho người dân hiểu rõ và cùng chung tay thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.  

Xã Thạnh Hòa (Tân Phước) nằm trong số 18 xã, phường của tỉnh Tiền Giang không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đến nay. Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa Nguyễn Văn Thọ cho biết, xã đã sớm thiết lập “vùng xanh” trên toàn địa bàn với nhiệm vụ vừa kiểm soát chặt người ra vào, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, lưu thông tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân.

Với trên 860 ha đất trồng lúa và trên 440 ha đất trồng cây ăn quả các loại, dự kiến tổng sản lượng nông sản hàng hóa của xã trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 lên đến 5.000 - 6.000 tấn sẽ được tiêu thụ hết, dù giá có giảm so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Nhân dân an tâm hưởng ứng đẩy lùi dịch COVID-19.

Xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) có diện tích gần 1.253 ha, 4 ấp, với hơn 8.700 nhân khẩu là một trong những “vùng xanh” an toàn điển hình của huyện. Tại các khu vực giáp ranh, địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, lập chốt chặn ra vào địa bàn đảm bảo công tác phòng, chống dịch kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chung tay ứng phó với đại dịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Sơn Trần Văn Chín đánh giá, nhìn chung, người dân chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch, đồng thuận trong việc bảo vệ an toàn "vùng xanh". Nhờ vậy, địa phương kiểm soát chặt chẽ địa bàn, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời vận động nông dân khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn lợi kinh tế và an sinh xã hội. Từ khi dịch bệnh bùng phát lần thứ tư đến nay, Cẩm Sơn không ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Thị xã Cai Lậy có tổng cộng 16 xã, phường với 72 ấp, khu phố. Đây cũng là một trong những địa bàn "nóng" về COVID-19 của tỉnh trong thời gian qua với 343 ca F0 tính đến ngày 30/8.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã yêu cầu các địa phương bảo vệ an toàn tuyệt đối "vùng xanh", kiểm soát không để "vùng đỏ" lây lan sang khu vực lân cận. Mặt khác, tiếp tục củng cố các chốt chặn; tăng cường kiểm tra việc thực hiện giãn cách xã hội và biện pháp phòng, chống dịch; kiện toàn Tổ phản ứng nhanh, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng; lan tỏa "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ", đồng thời bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng như tập trung giải quyết tiêu thụ nông sản cho người dân…

Đến nay, các xã, phường của thị xã cơ bản đều đã thiết lập và bảo vệ vững chắc những "vùng xanh" an toàn. Đây thực sự là những pháo đài phòng, chống COVID-19 tại địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang, tỷ lệ vùng nguy cơ rất cao cấp huyện đã giảm từ 27,27% vào thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16 xuống còn 9,09% hiện nay. Vùng nguy cơ rất cao cấp xã từ 18,02% xuống còn 7,56%. Vùng bình thường mới cấp huyện đã tăng từ mức 18,18% lên mức 27,27%. Vùng bình thường mới cấp xã tăng từ mức 25% lên mức 62,2%. Kết quả đó có được nhờ sự lan tỏa của những “vùng xanh” an toàn dịch bệnh được thiết lập tại địa phương trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đánh giá cao vai trò các “vùng xanh” an toàn trong phòng, chống dịch. Sự lan tỏa “vùng xanh”, thu hẹp các “vùng đỏ” góp phần giúp địa phương sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới để khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã có quyết định tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đến ngày 15/9/2021 đối với các huyện, thành, thị xã trong toàn tỉnh trừ 4 địa phương có nhiều “vùng xanh” an toàn dịch bệnh, công tác phòng, chống COVID-19 đạt hiệu quả cao là Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Tân Phú Đông thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 15 sau ngày 31/8 đến khi có thông báo mới.

Để phát huy vai trò “vùng xanh” là pháo đài phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh yêu cầu, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp được hướng dẫn; tuyên truyền người dân "ai ở đâu thì ở đó", hạn chế ra đường. Công tác tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng kết hợp tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân tới đâu, phải mở rộng "vùng xanh" đến đó.

Các huyện, thành phố, thị xã cần linh động, sáng tạo, có mô hình mới, cách làm hay trong thiết lập "vùng xanh"; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm. Các khu phong tỏa phải thực hiện thật nghiêm.

Minh Trí (TTXVN)
Tiền Giang khẩn trương hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm
Tiền Giang khẩn trương hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm, thực hiện Nghị quyết /NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn tỉnh đã lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho 41.035 đối tượng là người lao động tự do trong tỉnh bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19, trong đó có 12.192 người bán vé số lẻ, còn lại là lao động tự do khác với tổng số tiền đề nghị trên 61,55 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN