Tiến tới Đại hội XIII của Đảng - Bài 1: Ninh Bình phát triển toàn diện và hiện đại

Phát huy vai trò quan trọng của tổ chức Đảng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh thành phố Ninh Bình ngày một đổi mới hiện đại. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó từng bước đưa tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển toàn diện và hiện đại.

Xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Quỳnh Lưu là xã miền núi bán sơn địa của huyện miền núi Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trên cơ sở các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015-2020, xã Quỳnh Lưu luôn phát huy truyền thống cách mạng và thành tích đã đạt được trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nêu cao tinh thần đoàn kết thi đua lao động sản xuất, khắc phục những khó khăn, giành được những kết quả tương đối toàn diện.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trong công nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu nông nghiệp được duy trì ổn định, các nguồn lực huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều của xã Quỳnh Lưu còn 2,2% (giảm 0,8% so với chỉ tiêu kế hoạch).

Chú thích ảnh
"Con đường bích họa" ở huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Phạm Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan cho biết: “Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí Đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, qua đó kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện, phát huy được tính tích cực vươn lên của người dân. Nhiệm kỳ qua, kinh tế của địa phương tiếp tục phát triển, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt gần 8%/năm; bình quân thu nhập đạt 33,73 triệu đồng/người/năm”.

Là giáo viên dạy Toán của trường Trung học cơ sở Lê Lợi, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, không chỉ  giỏi chuyên môn, anh Nguyễn Văn Biên (sinh năm 1985) còn là một đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong tìm tòi, phát triển kinh tế gia đình. Say mê với những ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ngoài những giờ lên lớp anh đã dành thời gian tìm hiểu quy trình, kỹ thuật nuôi trồng tảo xoắn trên mạng xã hội và quyết tâm đầu tư để trồng loài tảo để thay đổi kinh tế gia đình.

Năm 2018, anh Nguyễn Văn Biên đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình nuôi Tảo xoắn Spirulina đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Dù mới được đưa ra thị trường tại địa phương, nhưng tảo xoắn Spirulina của anh Biên đã được nhiều người biết đến. Trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 30kg tảo xoắn tươi dạng ép viên, với giá 1 triệu đồng/kg. Anh Biên tâm sự: "Sau quá trình sử dụng nhận thấy công dụng của loài tảo này rất tốt cho sức khỏe, tôi đã tìm hiểu loài tảo xoắn qua sách vở, qua mạng Internet và nghiên cứu về cách trồng và chăm sóc. Sau nhiều thử nghiệm, giống tảo xoắn Spirulina hiện đã phát triển thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao".

Nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, đồng thời tăng cường kiểm tra cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời định hướng dư luận xã hội và tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi lên trên địa bàn. Nền kinh tế phát triển khá, vượt kế hoạch đề ra, quy mô nền kinh tế được mở rộng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,03%/năm, vượt mục tiêu Đại hội; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,7 %, khu vực công nghiệp, xây dựng 45,0%; khu vực dịch vụ 43,3%).

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Xã Khánh Thiện là địa phương đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ðảng bộ xã có 340 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ. Kế thừa những kinh nghiệm đã có trong xây dựng nông thôn mới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của chi bộ, Ðảng ủy, UBND xã đã sớm chỉ đạo rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó tập trung bàn thảo và ra nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, kế hoạch cụ thể từng tháng, từng quý. Đến nay, diện mạo vùng quê đã có nhiều thay đổi, đường đi lối lại ở trung tâm xã, ở khu dân cư đã được bê tông hóa, có đèn chiếu sáng, biển báo, hệ thống thoát nước, cây xanh.

Ông Phạm Văn Đông, Bí thư Ðảng ủy xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh cho biết: "Hiện nay, xã Khánh Thiện không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng đáng kể so với các năm trước đó. Trước khi được tỉnh xét danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu, Ðảng ủy xã đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân, kết quả là có 97% số người dân hài lòng về những nội dung đạt được trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu".

Chú thích ảnh
"Con đường bích họa" ở huyện Hoa Lư. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Không được thuận lợi như Yên Khánh, huyện miền núi Nho Quan khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đã gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư đông, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, sản xuất manh mún. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Nho Quan đã có nhiều khởi sắc. Bà Đinh Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nho Quan cho biết, xác định rõ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, do đó, trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Nho Quan đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, làm cho dân hiểu, dân tin, hưởng ứng và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình. Từ đó, có cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, huy động các nguồn lực trong nhân dân phù hợp. Thêm vào đó, huy động và sử dụng lồng ghép có hiệu quả sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác. Đến nay, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện là 18/26 xã. Dự kiến hết năm 2020, có 21/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 80,8% (vượt chỉ tiêu Đại hội).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng và vượt cao so với mục tiêu Đại hội. Chương trình đã huy động được hơn 34.475 tỷ đồng; trong đó vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 1.608 tỷ đồng, vốn do nhân dân tự đầu tư và đóng góp hơn 9.818 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, huyện, các xã được sử dụng toàn bộ tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho xây dựng nông thôn mới theo nghị quyết của HÐND tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 100/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 50 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thực tế xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình cho thấy, nơi nào cấp ủy, chi bộ, nhất là người đứng đầu thật sự trách nhiệm, tác phong quyết liệt và mỗi cán bộ, đảng viên có tâm huyết, luôn gần dân, bám sát cơ sở, đều tạo được chuyển biến rõ nét, được nhân dân tích cực ủng hộ.

Bài cuối: Đảng bộ Ninh Bình nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện

Thùy Dung (TTXVN)
Ninh Bình tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Ninh Bình tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức từ ngày 20 đến 22/10/2020 đã thành công tốt đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN