Theo kết quả tổng hợp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 74,4%. Như vậy, sau 53 ngày đêm phát động chiến dịch, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương đã tăng từ 50% lên hơn 74%, đây là tỷ lệ khá so với các năm trước khi còn dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong số các dự án quyết tâm về đích đạt 100%, vẫn còn nhiều dự án, công trình có kế hoạch bố trí nguồn vốn lớn trong kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay chưa thể giải ngân. Đáng chú ý, gói mua sắm thiết bị Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương với 1.500 giường được bố trí vốn hơn 379 tỷ đồng trong năm 2022, nhưng kết thúc kế hoạch năm không giải ngân được đồng nào.
Tương tự, một số dự án khác gồm công trình xây dựng trụ sở Trung tâm điều hành thành phố thông minh Bình Dương cũng chưa giải ngân được; tiếp đến là dự án đầu tư hệ thống camera giám sát cháy, an ninh, an toàn giao thông; dự án thành phần 6 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương hay Trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương và hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Bến Cát…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân, một số gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dụng có tính chất phức tạp chưa thể tổ chức đấu thầu hoặc không tìm được nhà thầu đáp ứng yêu cầu nên chủ đầu tư phải hủy thầu để đấu thầu lại, không kịp giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022. Điển hình như các dự án trọng điểm, kế hoạch vốn lớn có tỷ lệ giải ngân thấp.
Các dự án giải ngân vốn thấp gồm có dự án xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai đạt 14%, khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn (thuộc Khu quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường và Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh) cũng chỉ đạt 14% hay dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa) đạt 16%,… Nguyên nhân các dự án, công trình giải ngân đạt thấp là do thời điểm triển khai chiến dịch rơi vào cuối năm, trùng với kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán nên thời gian triển khai không nhiều trong khi khối lượng công việc phải thực hiện khá lớn.
Cùng với đó là những vướng mắc, bất cập trong đầu tư công đã kéo dài nhiều năm như quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công (thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư,…), các vướng mắc trong xây dựng, ban hành phương án giá đất, phối hợp trong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật,…
Hiện nay tỉnh đang tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, hạn chế tối đa bố trí vốn cho các dự án khởi công mới chưa cần thiết, chưa thật sự cấp bách. Do đó nhiều dự án chuẩn bị đầu tư không giải ngân được kế hoạch vốn do không được phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc không có sẵn các dự án đủ điều kiện bố trí vốn gây khó khăn cho việc điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân theo tiến độ trong năm.
Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công cho cả giai đoạn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chấp thuận kéo dài kế hoạch vốn của nhiều dự án; trong đó, một số dự án được dự báo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm trong năm 2022. Cùng với đó, từ thực tế tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài đến nay cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ giải ngân chung trong năm 2022.
Ông Phạm Trọng Nhân cũng chỉ ra những mặt tồn tại cấp bách cần tháo gỡ như thẩm định và phê duyệt đơn giá đất; tập trung nguồn lực hơn nữa để khơi thông điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Chuẩn bị đầu tư thật sớm để kịp thời điều chỉnh nếu có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, không để dồn vào các tháng cuối năm để tránh rơi vào tình trạng bị động, khi phải điều chỉnh không kịp giải ngân kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, việc không có sẵn các dự án đủ điều kiện bố trí vốn gây khó khăn cho việc điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân theo tiến độ trong năm. Song song đó, cần nghiên cứu cơ chế cho phép chuẩn bị sẵn một số dự án chưa thực hiện ngay để điều chuyển vốn trong trường hợp cần thiết.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng các dự án vốn đầu tư công liên quan đến nhiều khâu; nhất là về giá đất. Mặc dù kết quả đầu tư công năm 2022 không đạt như kỳ vọng nhưng đây cũng là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền, chủ đầu tư đã nỗ lực nâng tỷ lệ giải ngân trong chiến dịch hơn 50 ngày phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 31/1/2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất, Tổ giúp việc tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và kịp thời hướng dẫn các đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và trình phê duyệt các hồ sơ, nhất là các hồ sơ tồn đọng chuyển tiếp từ năm 2022.
Đối với các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm triển khai, không để tập trung vào cuối năm, hạn chế các rủi ro phát sinh dẫn đến không kịp giải ngân kế hoạch vốn. Chủ tịch tỉnh đề nghị các đơn vị dốc lực để đạt mục tiêu Qúy I/2023 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 25%; 6 tháng đầu năm đạt 65%.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, bao gồm thuyết minh, đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện của từng dự án; thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư...