Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí cầu nối giữa TP Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đồng thời nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nơi đây còn còn nhiều danh thắng nổi tiếng như núi Bà Đen - được mệnh danh là “nóc nhà Nam Bộ”, Hồ Dầu Tiếng - công trình thủy nông lớn nhất cả nước, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam - được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt.
Vùng đất “gian lao và anh dũng” Tây Ninh ngày nay không chỉ là điểm hấp dẫn khách du lịch, mà đang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế toàn diện, thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Thành quả đó phản ánh sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh, chung sức cùng nhau từng buớc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, kinh tế có bước phát triển vượt bậc... Đặc biệt, sự triển khai mạnh mẽ, sâu rộng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Tây Ninh, trong 10 năm qua, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 40/2014 của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng và góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng năm, từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 0,65% xuống còn 0,16%. Hết năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 512 hộ nghèo, trên tổng số 322.582 hộ dân.
Tiêu biểu như tại Tân Châu, là một trong 5 huyện nông thôn biên giới của Tây Ninh, nhờ nguồn vốn chính sách đầu tư đến 100% các ấp, cụm dân cư trên địa bàn, nên công cuộc giảm nghèo đã đi vào thực chất, bền vững. Tính từ năm 2021-2023, huyện Tân Châu giảm được 0,55% hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó, còn có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tây Ninh, ông Đào Anh Tuấn, cho biết: Điểm thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị, là đơn vị đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn tín dụng chính sách đến đúng từng địa chỉ, từng đối tượng thụ hưởng.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; mặt khác, còn dành sự hỗ trợ kinh phí ngân sách trang bị, mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của tín dụng chính sách.
Hầu hết UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc hàng năm đều trích ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng phối hợp với NHCSXH vận động các nguồn lực từ cuộc vận động vì người nghèo để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách.
Từ sự quan tâm giúp đỡ đó, các nguồn lực tài chính ở tỉnh Tây Ninh có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đã được quy về một đầu mối, chuyển sang NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành.
Tính đến ngày 30/4/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác lên 535,2 tỷ đồng, tăng 483,3 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị, trong đó ngân sách cấp tỉnh đạt 425,8 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện đạt khá cao (109,3 tỷ đồng), nguồn lực của các đơn vị mặt trận Tổ quốc cấp ủy, huyện, xã đã mở tài khoản tiền gửi tại NHCSXH với tổng số tiền là 27.371 triệu đồng.
Nhờ đó, tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 4.200 tỷ đồng, tăng 2.787,5 tỷ đồng so với 10 năm trước, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm.
Cũng từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, song hành với việc tiếp nhận các nguồn lực, nguồn vốn ở nhiều nơi trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã kiên trì, năng động đổi mới quy trình thủ tục, phương thức cấp tín dụng, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng không quản ngại gian nan vất vả, tháng ngày luôn bám sát cơ sở, gắn bó với hộ nghèo, với gia đình đồng bào dân tộc khó khăn để cùng bàn bạc kỹ lưỡng, cùng hướng dẫn tận tình bà con vay được vốn dễ dàng, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Việc xây dựng, củng cố mạng lưới có độ phủ kín khắp địa bàn vùng biên giới rộng lớn, xa xôi thông qua 94 Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ về tín dụng chính sách.
Những cán bộ tín dụng chính sách cũng luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội cấp xã, với trưởng ấp, khu phố giám sát quá trình họp hành, bình xét cho vay vốn tại mạng lưới 2.655 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV)…
Nhờ vậy, trong suốt những năm qua, ngay cả khi gặp thiên tai, dịch bệnh gây khó khăn cản trở, dòng vốn chính sách vẫn được khơi thông, chảy đều đặn đến kịp thời các miền quê, các đối tượng thụ hưởng khắp vùng đất đỏ Tây Ninh.
Từ nông thôn biên giới heo hút đến thị thành sầm uất ở Tây Ninh, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Cũng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ưu đãi về cùng các nguồn lực khác như thủy lợi, khoa học kỹ thuật đã góp phần đổi thay diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân Tây Ninh rất nhiều. Thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, ngành nghề truyền thống được lựa chọn. Toàn dân, toàn địa phương thi đua xuống đồng, làm vườn, tạo nguồn thu cho mình.
Tiêu biểu ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu đã có những cánh đồng lúa, mỳ, vườn cây trái tốt tươi, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các hộ nghèo.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tưng, ở ấp Phước An, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi thủy sản từ nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện kinh tế gia đình ông đã ổn định. Gia đình cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba, cá giống cho người dân trong khu vực, để cùng nhau phát triển kinh tế.
Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, cư trú ấp Thanh Hiệp, xã Thạnh Đông, được NHCSXH huyện biên giới Tân Châu cho vay 50 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình chị đã có 5 con bò, bê. Ngoài ra, trồng thêm rau nhút, nuôi cá thịt, mỗi năm thu nhập gần 60 triệu đồng, thoát cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Từ những ấp, khu phố trên miền biên giới và trong nội đô ở Tân Châu hay Trảng Bàng, nhìn rộng ra cả tỉnh Tây Ninh, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã phủ kín vùng đất hơn 4.000km2. 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện, đều được tiếp cận với các dịch vụ của NHCSXH.
Đánh giá về hiệu quả và ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: Việc đưa Chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn chính sách ở tỉnh biên giới không những tăng trưởng nhanh, mà còn tạo ra hiệu ứng thiết thực, giúp người dân vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống không ngừng.
Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chỉ thị 40 của Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy vùng căn cứ cách mạng xưa đạt nhiều kết quả ấn tượng: Hơn 18,7 nghìn lượt hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo nhờ được vay vốn; đã hỗ trợ cho gần 19.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 67.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; hỗ trợ cho vay xây dựng 308.000 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn và 362 căn nhà mới kiên cố, khang trang.
Công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững của tỉnh Tây Ninh đã đạt những kết quả to lớn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện công cuộc có ý nghĩa sâu sắc này suốt 22 năm qua.
Thời gian tới, cùng các cấp, các ngành trên quê hương cách mạng, NHCSXH Tây Ninh vẫn bền bỉ chung sức, đồng lòng nỗ lực thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tiếp tục huy động mọi nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn về tận các miền quê, đến đúng các đối tượng thụ hưởng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, để Tây Ninh trở thành nơi đáng đến, đáng sống.