Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực xóa nhà tạm, xây yêu thương 

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk về thực hiện chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh, giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk về thực hiện chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.

Thưa ông, trong năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực, quyết liệt triển khai chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, vậy những kết quả mà tỉnh đã đạt được trong thực hiện chương trình như thế nào, thưa ông? 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững của các hộ dân nghèo có khó khăn về nhà ở.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo vận động, xây dựng nhà ở cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở (Ban chỉ đạo 1735) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Để tạo nguồn lực xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, trước đó, ngày 15/11/2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp với UBND tỉnh tổ chức chương trình Lễ phát động hưởng ứng Tháng cao điểm Vì người nghèo với chủ đề “Triệu tấm lòng – Nghìn căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo” nhằm kêu gọi, vận động nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quan tâm ủng hộ, chăm lo, giúp đỡ người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã thu hút được đông đảo sự quan tâm, tham gia của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân.  

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tiếp tục kêu gọi, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên, nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo thuộc thôn, buôn của các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng đông đồng bào các dân tộc thiểu số, hướng đến chào mừng Kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024). 

Qua triển khai và vận động, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận, giải ngân, phân bổ xây dựng 352 căn nhà đại đoàn kết, tổng giá trị 23,24 tỷ đồng, đạt 117,3% kế hoạch.

Như vậy, trong năm 2024, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Đắk Lắk đã xây mới, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 1.552 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh Đắk Lắk đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” do Thủ tướng Chính phủ phát động với những việc làm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực.

Chương trình phát động xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa trong năm 2024 đã góp phần xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, hỗ trợ nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở.

Chú thích ảnh
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung trao chìa khóa tượng trưng, tặng quà của Tổng Bí thư Tô Lâm và quà của Bộ Công an cho các hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà. 

Thực hiện chương trình “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tỉnh Đắk Lắk gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông? 

Công tác chăm lo cho người nghèo nói chung và phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo” do Thủ tướng Chính phủ phát động nói riêng, luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Toàn tỉnh đã tích cực triển khai, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Nhiều hộ nghèo được ổn định về nhà ở đã nắm bắt cơ hội được giúp đỡ để cố gắng nỗ lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương trong tỉnh, tuy nhiên nguồn lực kêu gọi vận động, xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo vẫn còn rất khó khăn, hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế cấp thiết về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Mặt khác, phần lớn hộ nghèo có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ nhà ở hiện đang sinh sống ở các vùng thuộc khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không thuận lợi (như ở các huyện M’Đrắk, EaSúp, Buôn Đôn có khí hậu khô hạn, đất sỏi cát, cằn cỗi), đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, việc làm không ổn định; sinh kế các hộ gắn chặt nông nghiệp nhưng lại thiếu đất canh tác, thiếu vốn đầu tư sản xuất, khả năng tự vươn lên thoát nghèo là rất chậm.

Ngoài ra, nhiều hộ nghèo có nhu cầu cấp thiết về nhà ở nhưng lại không đảm bảo tính pháp lý về đất ở nên rất khó khăn cho công tác xét duyệt để hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Chú thích ảnh
Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. 

Từ những kết quả đã đạt được và khó khăn của thực tiễn, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu, giải pháp gì để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, thưa ông? 

Theo báo cáo của UBND 15 huyện, thị xã, thành phố, tính đến ngày 5/12/2024, toàn tỉnh có 6.759 hộ cần được hỗ trợ, trong đó 5.073 hộ cần xây mới và 1.6 hộ cần được hỗ trợ sửa chữa. Do đó, trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho Ban Chỉ đạo 1735 tiếp tục chỉ đạo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy có nội dung triển khai cho UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong công tác xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành liên quan chủ động, thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện việc ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực, góp phần tạo điều kiện cho Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, để thiết thực chào mừng 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 – 10/3/2025),

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho Ban Chỉ đạo vận động, xây dựng nhà ở cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở, phấn đấu xây mới và sửa chữa 1.500 căn nhà (trong tổng số nhà ở của các hộ nghèo cần được xây dựng và sửa chữa). Số còn lại, tỉnh đẩy mạnh tiến độ thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng và sửa chữa 100% số nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo có nhu cầu cấp thiết về nhà ở.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hoài Thu (thực hiện)
Đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk
Đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk

Theo đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2024, công tác phát triển hạ tầng giao thông được Trung ương và địa phương tập trung đầu tư xây dựng. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đồng bộ với nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN