Huyện Châu Thành nằm bao quanh thành phố Trà Vinh, có 13 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên gần 35.000 ha, dân số trên 151.000 người; trong đó đồng bào Khmer chiếm 33,67% dân số.
Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội vừa tích cực xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện thuần nông, còn nhiều khó khăn, đến nay kinh tế-xã hội của huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện giai đoạn năm 2010-2020 đạt trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 52,45 triệu đồng/người/năm, tăng 41,35 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,7%, giảm 22,55%. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia 135, không còn xã đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 – 2021, huyện đã huy động tổng nguồn lực gần 3.000 tỷ đồng để nâng cao mức sống cho người dân. Đến nay, 100% đường trục ấp và liên ấp, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi liên xã được thực hiện đồng bộ, khép kín, chủ động nước phục vụ tưới tiêu cho trên 25.000 ha diện tích đất nông nghiệp của huyện. Hầu hết hộ dân trên địa bàn đề được sử dụng điện an toàn và đảm bảo điện phục vụ sản xuất.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện tập trung các giải pháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và phát triển bền vững, với các cây trồng chủ lực là cây lúa, cây dừa và cây ăn trái. Huyện có trên 90% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao, tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 97%; có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Ngoài ra, tại Châu Thành có nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, lúa – tôm, với diện tích thực hiện liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ là 4.460 ha, sản lượng đạt gần 27.000 tấn. Nhiều mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, dưa lưới... cho lợi nhuận trung bình từ 110-170 triệu đồng/ha, cao gấp 8-12 lần so với trồng lúa trước đó.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo huyện Châu Thành phát huy hơn nữa các lợi thế của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, nhất là tiềm năng về kinh tế nông nghiệp, du lịch, sản phẩm OCOP... để phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống ở khu vực nông thôn; đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cho người dân trên địa bàn.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 80/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Trà Vinh tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có thêm huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành tỉnh nông thôn mới trước năm 2025.
Dịp này, 5 tập thể và 10 cá nhân được nhận Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh; 46 tập thể và 117 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.