Huyện Cầu Ngang có tổng diện tích tự nhiên gần 33.000 ha; trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 81%. Huyện có 35.756 hộ dân với trên 122.000 nhân khẩu, bà con dân tộc Khmer chiếm gần % dân số huyện.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện có xuất phát điểm khá thấp, với 1 xã bãi ngang và 8 xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 26,86% so với tổng số hộ; gần 6.000 hộ dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ. Hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất, lầy lội vào mùa mưa, gồ ghề vào mùa nắng, gây rất nhiều khó khăn cho lưu thông...
Qua 12 năm xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông trên địa bàn được hoàn thiện. Đường liên xã, từ trung tâm xã đến đường huyện 40 tuyến được nhựa hóa và nâng cấp, mở rộng với tổng chiều dài hơn 133 km. Đường trục ấp và liên ấp, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng đều được nhựa hóa, bê thông hóa, cứng hóa..., đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 64,26 triệu đồng/người/năm, tăng 51,55 triệu đồng/người/năm so với cuối năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 3% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Địa phương không còn nhà ở tạm bợ.
Trong phát triển kinh tế, huyện xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng nên luôn ưu tiên bố trí nguồn lực cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản chủ lực địa phương. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế đặc thù vùng, huyện bố trí 5 tiểu vùng sản xuất. Tương ứng với mỗi tiểu vùng sản xuất, huyện xác định cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực để tập trung các giải pháp chỉ đạo phát triển phù hợp.
Nhờ vậy, đến năm 2022, sản lượng lúa của huyện đạt trên 170.000 tấn, tăng 28.000 tấn so cuối năm 2010. Chất lượng lúa gạo cũng được cải thiện đáng kể, đáp ứng điều kiện xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Tổng sản lượng thủy sản đạt .405 tấn, tăng trên 24.000 tấn so năm 2010.
Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng công tác trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ trên bãi bồi ven biển, vận động nhân dân trồng cây phân tán các loại và thực hiện tốt việc chăm sóc rừng phòng hộ...
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh chỉ đạo huyện Cầu Ngang tiếp tục nâng chất các tiêu chí huyện nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn để sớm đưa Cầu Ngang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Địa phương thực hiện quy hoạch gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản chủ lực; thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, Cầu Ngang đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với thị trường lao động và kế hoạch tái cơ cấu kinh tế của huyện; nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hàng năm; nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở các trạm y tế xã.
Dịp này, 5 tập thể và 12 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; 28 tập thể và 18 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo kế hoạch, chiều cùng ngày, tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới.
Trà Vinh đã hoàn thành 5/8 tiêu chí tỉnh nông thôn mới; 8/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.