UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Cầu Kè tiến hành cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết chủ động phòng, tránh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Huyện Cầu Kè bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó, xử lý diễn biến sự cố sạt lở; tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương theo dõi diễn biến sạt lở, xây dựng sẵn sàng phương án hộ đê; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo xử lý kịp thời. Cùng với đó, Sở khảo sát, tham mưu, đề xuất các giải pháp phi công trình và công trình xử lý khẩn cấp sạt lở nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn dân sinh và sản xuất của người dân địa phương.
Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Hoàng Khải cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm qua, đê bao sông Tân Dinh và sông Bông Bót đã xảy ra sạt lở cục bộ nhiều đoạn. Người dân tự gia cố, khắc phục bằng cách làm kè để bảo vệ bờ bao. Thời gian gần đây, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. Dọc tuyến sông Tân Dinh và sông Bông Bót có nhiều điểm sạt lở sâu vào chân đê từ 2 - 4 m, tạo hàm ếch rất nguy hiểm.
Sáng 10/10, triều cường dâng cao làm vỡ 8 đoạn với tổng chiều dài 100 m thuộc tuyến đê ven sông Hậu; nước dâng cao tràn qua đê gây ngập hơn 85 ha vườn cây ăn trái của 136 hộ dân tại 4 xã Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân và Tam Ngãi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn huyện Cầu Kè đã phối hợp với các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” khắc phục hậu quả, gia cố lại các đoạn đê vỡ và những đoạn đê xung yếu trên địa bàn. Theo dự báo, trong 2 ngày 11 và 12/10, triều cường tiếp tục dâng cao.