Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2025, đưa sản lượng nuôi trồng vùng ven biển đạt khoảng hơn 200.000 tấn/năm, góp phần đưa giá trị tăng thêm ngành thuỷ sản đạt mức tăng trưởng bình quân 5%/năm.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang xúc tiến rà soát lại quy hoạch, ưu tiên phân bổ và có chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ trong nuôi thuỷ sản, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
UBND tỉnh Trà Vinh đã chủ trương cho các địa phương ven biển thực thi các chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác khoảng 50.000 ha đất ven biển và 15.000 ha đất bãi bồi, cồn nổi để đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, nhằm tạo giá trị gia tăng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tại các vùng ven biển của tỉnh có khoảng 15.000 ha nuôi thuỷ sản thâm canh theo hướng sạch, có chỉ dẫn địa lý; trong đó, có 1.100ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Năm nay, nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh đã thả nuôi hơn 33.300 ha tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tăng gần 7 % so kế hoạch; trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt 2.524ha, tăng gấp 2,4 lần so năm 2023. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay nông dân nuôi tôm vùng nước mặn và lợ trong tỉnh đang vào thời vụ thu hoạch tôm nuôi cuối mùa vụ năm 2024. Sản lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi đã thu hoạch ước đạt hơn 88.000 tấn, tăng 1.200 tấn so cùng kỳ năm 2023.
Điều nông dân nuôi tôm ở Trà Vinh phấn khởi là tuy đang vào thời vụ thu hoạch tôm nuôi tập trung, nhưng giá tôm thương phẩm đã tăng thêm mức bình quân 10.000 đồng/kg cho đến nay. Cụ thể, giá tôm sú loại 20 con/kg được thu mua tại ao 190.000 đồng/kg, loại 30 con/kg mua vào 135.000 – 140.000 đồng/kg, loại 40 con có giá 100.000 – 110.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg giá mua 165.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá mua 140.000 đồng/kg, loại 50 con có 120.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Linh, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh, ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải cho biết, hầu hết người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các vùng nước mặn và lợ trong tỉnh Trà Vinh đều có lợi nhuận khá. Năm nay, nhờ thời tiết, môi trường nước thuận lợi; giá thức ăn cho tôm, thuốc thú y thủy sản đều ổn định nên nuôi tôm không hao hụt nhiều, chi phí không tăng cao, nuôi đạt năng suất. Với giá tôm như hiện tại người nuôi tôm lợi nhuận đạt bình quân 35.000 - 40.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất. Riêng đối với những hộ nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận tăng thâm gấp 5 - 7 lần nhờ năng suất đạt 55 -70 tấn/ha, cao gấp 7 -–10 lần so nuôi thâm canh bình thường.
Bà Nguyễn Thị Thu, Đại lý chuyên thu mua thủy sản ở Phường 1, thị xã Duyên Hải dự báo, tuy hiện đang là thời điểm thu hoạch tập trung, nhưng giá tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục ổn định. Nguyên nhân, nhờ các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh Trà Vinh và nhiều nhất là các nhà máy lớn tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng hiện vẫn đang có nhu cầu nguồn tôm sú, tôm thẻ để phục vụ cho sản xuất chế biến nên sẽ giữ giá thu mua nhằm thu hút nguồn tôm nguyên liệu cho nhà máy.