Xã Đa Lộc, huyện Châu Thành có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực. Những con đường liên ấp sình lầy trước kia giờ đã được thay mới bằng đường bê tông, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng. Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 nhưng đến cuối năm 2021, Đa Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 54 triệu đồng/người/năm, tăng 34 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.
Ông Phạm Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, đồng bào Khmer địa phương được tiếp cận nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước như được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn xây nhà, phát triển sản xuất, tạo điều kiện sử dụng điện an toàn, nước sạch hợp vệ sinh… Hầu hết, hộ nghèo khó khăn về nhà ở và thiếu đất sản xuất của xã đều được hỗ trợ nhà ở đảm bảo tiêu chí “3 cứng”, có đất sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện Đa Lộc chỉ còn 28 hộ thuộc diện nghèo, giảm 78 hộ so với năm 2020 và giảm hơn 1.000 hộ nghèo so với năm 2010.
Đảng bộ và chính quyền xã Đa Lộc luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Khmer thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để cải thiện thu nhập cho người dân, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực vận động và tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để đồng bào nắm vững quy trình sản xuất. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu nông sản để nâng cao thu nhập. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã đạt trên 134 triệu đồng/năm, tăng hơn 60 triệu so với năm 2010.
Những ngày đầu tháng 4 này, cùng với đồng bào Khmer Nam Bộ, người dân xã Đa Lộc đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu để kịp đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây. Ông Thạch Hiển, Trưởng ban Nhân dân ấp Giồng Lức phấn khởi cho biết, vụ này thời tiết thuận lợi nên hầu hết người dân trong ấp đều trúng mùa, năng suất bình quân đạt hơn 6,5 tấn/ha, cao hơn vụ trước 1,5 tấn/ha. Gia đình ông vừa thu hoạch xong 1,6 ha lúa Đông Xuân với năng suất đạt gần 7 tấn/ha.
Theo ông Thạch Hiển, năm 2017 trong số 483 hộ dân của ấp, có 70 hộ nghèo, chủ yếu là hộ Khmer. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho hộ Khmer nghèo, toàn ấp có 120 hộ nghèo và cận nghèo được cấp đất, vay vốn xây nhà, nhiều hộ được hỗ trợ sinh kế cải thiện thu nhập gia đình. Nhờ vậy, đến cuối năm 2021, xét theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, ấp Giồng Lức không còn hộ nghèo.
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới được xây từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng, anh Thạch Nhựt, ấp Giồng Lức phấn khởi, gia đình vừa thoát nghèo, năm nay đón Tết Chol Chnam Thmây ấm áp và đủ đầy hơn mọi năm. Trước đó, hai vợ chồng đều là lao động tự do nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều năm liền gia đình sống trong căn lều tạm bợ, dột nát dựng tạm trên đất của cha mẹ. Khi được nhà nước cấp 300m2 đất và cho vay 50 triệu để xây nhà, vợ chồng anh Thạch Nhựt vui mừng khôn xiết. Gia đình anh còn được hỗ trợ 1 con bò trị giá 7,5 triệu đồng để tăng gia sản xuất.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, giai đoạn 2016 - 2020, Trà Vinh đã đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, địa phương để xây dựng 5 công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… Tỉnh còn tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng gần 600 công trình cơ sở hạ tầng phục cho yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Đồng bào Khmer trong tỉnh còn được thụ hưởng nhiều chính sách khác với tổng số tiền giải ngân hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, gần 4.000 hộ Khmer được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; trên 3.000 hộ được hỗ trợ đất ở, trên 3.600 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở; giải quyết việc làm cho trên 3.300 hộ. Tỉnh hỗ trợ hơn 1.500 hộ vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề; trên 15.000 hộ được hỗ trợ nước sạch sinh hoạt…
Ông Hà Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh khẳng định, những chính sách dân tộc đã giúp vùng đồng bào Khmer khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, năm 2021, tỉnh Trà Vinh chỉ còn 779 hộ Khmer nghèo, giảm 2.084 hộ so với năm 2020.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ năm 2022- 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí dự kiến trên 1.465 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp. Mới đây, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn này. Ban Dân tộc đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương để trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn.