Theo đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các xã có tiêu chí về cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đã đạt nhưng mức đạt của một số chỉ tiêu còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu theo các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, trong giai đoạn 2024-2025, nguồn vốn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư 24 công trình trường học (232 phòng học và nhà hiệu bộ, nhà đa năng); 185 công trình giao thông (đường, cầu giao thông nông thôn với chiều dài khoảng 220km); 14 công trình nhà văn hóa và 4 trạm y tế.
Năm 2024, tỉnh Hưng Yên phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu có từ 1 đến 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động rà soát văn bản, hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung tiêu chí đảm đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thuộc lĩnh vực phân công, phụ trách.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên yêu các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, ưu tiên công trình dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, đối với các huyện Văn Giang và Phù Cừ rà soát, tự đánh giá kết quả thực hiện nội dung các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, có kế hoạch cụ thể hoàn thiện tiêu chí, thực hiện các bước đề nghị thẩm tra, thẩm định xét, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cần rà soát, đánh giá các tiêu chí còn thiếu, còn khó khăn để có giải pháp khắc phục cụ thể; nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành các nội dung tiêu chí nông thôn mới nâng cao...
Năm 2023, toàn tỉnh huy động được trên 11.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 102/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.