Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án "xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 245”. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Nghị quyết nêu rõ Thanh Hóa sẽ cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế. Với tiềm năng của mình, Thanh Hóa sẽ trở thành một cực phát triển mới, tạo sự lan tỏa, kết nối giữa các tỉnh khu vực phía Bắc.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Để thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW là nhiệm vụ hết sức nặng nề và vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải nhận thức sâu sắc về tinh thần, nội dung của Nghị quyết. Tỉnh Thanh Hóa phải tuyên truyền để mọi người dân nắm được nội dung của nghị quyết, để người dân đồng tình, ủng hộ đồng thời giám sát quá trình triển khai Nghị quyết 58 của các cấp ủy, đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện. Ngoài ra Thanh Hóa cũng cần tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định: Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị được triển khai rộng rãi để toàn thể cán bộ đảng viên và toàn thể nhân dân Thanh Hóa nắm được những vấn đề cốt lõi quan trọng nhất của Nghị quyết.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm; gương mẫu tiếp thu các nội dung, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết; dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu kỹ, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung cốt lõi của nghị quyết, để từ đó phát huy được năng lực, trí tuệ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cũng xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58. Mục tiêu là xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của Thanh Hóa chiếm khoảng 4,4%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,2% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD.
Tỉnh đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo sự kết nối giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đột phá về cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; tạo nền tảng để trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về giáo dục và đào tạo; y tế chuyên sâu. Thanh Hóa cũng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Thanh Hóa tập trung xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.