Triều cường dâng cao khiến cho 15 ha nuôi trồng thủy sản ở xã Tiên Long (huyện Châu Thành) bị ảnh hưởng; 36 căn nhà và 37 ha cây ăn trái ở xã Tam Hiệp bị ngập.
Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại điểm sạt lở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, đại diện Ban Quản lý Dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre (chủ đầu tư) đang theo dõi, đo đạc để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục, sửa chữa đoạn đê 50m bị sụp lún xuống sông vào chiều 21/10.
Bờ kè cồn Phú Đa (phía sông Cổ Chiên) được thiết kế kè mềm (rọ đá) để chống sạt lở có dài khoảng 400m, được thi công tháng 11/2019, vừa được hoàn thành tháng 8/2020 và đã kiểm tra nghiệm thu, chờ bàn giao cho UBND huyện Chợ Lách quản lý. Tuy nhiên, chiều 21/10, khoảng 50m bờ kè bị sụp lún. Rất may, vụ sụp lún không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng làm ngập úng khoảng 1 ha cây trồng của người dân.
Ông Lê Văn Lộc, Giám sát trưởng Công trình kè chống sạt lở cồn Phú Đa cho biết, nguyên nhân sụp lún bờ kè bước đầu nghi do triều cường kết hợp nền địa chất sụt lún khiến cho đê bị sụp xuống sông. Hiện đơn vị giám sát và thiết kế đang đợi nước rút để đo xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể.
Theo ông Đặng Hoàng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, đợt triều cường từ ngày 19 - 20/10, mực nước đỉnh triều đo được tại các trạm trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức rất cao. Mực nước đỉnh triều tại trạm Chợ Lách (trên sông Hàm Luông) là 203 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 3 cm). Tại trạm Bình Đại (sông Cửa Đại), mực nước đỉnh triều đo được 186 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 3 cm). Tại trạm Bến Trại (trên sông Cổ Chiên), mực nước đỉnh triều đo được 185 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 3cm).
Dự báo, mực nước đỉnh triều hàng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh sẽ xuống trong những ngày tới nhưng vẫn còn ở mức cao.
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cho biết, trước những ảnh hưởng do triều cường gây ra, hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để gia cố, xử lý khẩn cấp tại các vị trí sạt lở, vỡ đê nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã đến hiện trường để hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục các điểm sạt lở, vỡ đê; đồng thời yêu cầu địa phương thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực, vận động di dời người dân đến nơi an toàn, huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản, di chuyển vật nuôi, hạn chế thiệt hại do ngập úng.
Các địa phương thông tin về diễn biến tình hình sạt lở đến người dân, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn tránh xảy ra tai nạn, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; tăng cường huy động thêm lực lượng, phương tiện để xử lý, khắc phục các vị trí bị sạt lở và tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu kịp thời gia cố để ứng phó với triều cường.