Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa… là ấn tượng đầu tiên khi đến điểm tái định cư thôn Mường - thôn có nhiều hộ dân tái định cư sinh sống nhất trên địa bàn xã Phù Lưu.
Trưởng thôn Mường Hồ Văn Chiều cho biết: Thôn có 37 hộ dân tái định cư sinh sống, chủ yếu là người Tày. Để giúp các hộ dân tái định cư nhanh chóng ổn định cuộc sống, thời gian qua, chính quyền thôn luôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến người dân; vận động, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi...
Nhờ sự chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi, nhạy bén trong phát triển kinh tế nên thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện ở thôn Mường, nhiều hộ dân tái định cư đã vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như các gia đình ông Nông Văn Vó, Triệu Văn Đại, Nguyễn Văn Tưởng, Nông Văn Thăng, Tày Văn Tương, Tày Văn Hải... Đến nay, thôn chỉ còn 1 hộ tái định cư thuộc hộ nghèo do tàn tật, không có khả năng lao động.
Gia đình ông Tày Văn Tương, thôn Mường đã có cuộc sống tốt hơn sau khi về khu tái định cư. Tận dụng nguồn tiền đền bù, hỗ trợ, ông Tương đã đầu tư trồng cam cho năng xuất cao và kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Nhờ đó, vài năm trở lại đây, mỗi năm, gia đình ông Tương thu lãi gần 200 triệu đồng.
Ông Tày Văn Tương chia sẻ: Trước kia, ở bản cũ rất khó khăn. Gia đình ông chỉ quanh quẩn với nương rẫy. Về nơi ở mới, ông được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dựng nhà, tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, Nhà nước còn đầu tư bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, kéo điện lưới… đến các điểm tái định cư. Đây chính là điều kiện, động lực để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Là hộ dân tái định cư phát triển kinh tế giỏi ở thôn Mường, anh Nông Văn Thắng cho biết: Ở Phù Lưu đất đai màu mỡ, thích hợp với trồng cây có múi như cam, chanh. Nắm bắt được điều này, năm 2008, cùng số vốn tự có của gia đình, anh quyết định vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng để đầu tư trồng 2 ha cam trên đất đồi; đồng thời, nuôi trâu, bò, lợn, gà để nhanh quay vòng vốn. Đến nay, gia đình anh đang có 10 ha cam, gần 1 ha chanh tứ thì, 2 con trâu, 3 con bò.
Nhờ chăm chỉ, nhanh nhạy trong làm ăn, phát triển kinh tế, vài năm trở lại đây, gia đình anh Thắng thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Có thu nhập ổn định, gia đình anh đã xây được nhà mới khang trang, mua ti vi, tủ lạnh… phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Năm 2017, anh Thắng được Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Cũng về tái định cư tại xã Phù Lưu, ông Nông Văn Chuyền cho biết: Hiện nay, thu nhập của người dân tái định cư đã cao hơn so với nơi ở cũ. Những hộ dân tái định cư mong muốn thời gian tới tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn vay phát triển sản xuất với thời hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Anh Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: Trên địa bàn xã có 8/22 thôn có người dân tái định cư sinh sống với tổng số 123 hộ, chủ yếu là người dân tộc Tày. Thời gian qua, xã đã phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tốt chính sách di dân tái định cư, giao đất, giao rừng sản xuất cho các hộ dân; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu; tạo điều kiện cho người dân tái định cư tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển sản xuất; vận động, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Đến nay, xã đã hoàn thành giao trên 26 ha đất lúa, gần 60 ha đất lâm nghiệp cho các hộ dân tái định cư trên địa bàn xã. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, hiện người dân tái định cư đã có cuộc sống ổn định; tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Nhiều hộ phát triển kinh tế giỏi, trở thành hộ khá, giàu của xã. Qua đó, góp phần giúp xã hoàn thành xây dựng nông mới vào cuối năm 2020.
Anh Đỗ Đình Quý cho biết thêm: Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân trên địa bàn nói chung, người dân tái định cư nói riêng tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương như: cam sành, chanh tứ mùa; đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân có nhu cầu, tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống…