Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh theo các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được UBND tỉnh phê duyệt cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh; không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân; tổ chức tiêu hủy gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, mắc bệnh, nghi mắc bệnh ốm, chết theo quy định...
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, tránh lây lan ra diện rộng. Tại các xã chưa công bố hết dịch, chính quyền địa phương và người dân cần chủ động vệ sinh tiêu độc khử trùng, khoanh vùng có dịch để thực hiện các biện pháp thú y nhằm khống chế, không để phát sinh lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương, tuyên truyền, vận đồng người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc “5 không” gồm: không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn ốm; không sử dụng thức ăn thừa cho lợn ăn khi chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch tả lợn châu Phi lan rộng, uy hiếp các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, ảnh hưởng đến giá trị ngành chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, phối hợp lấy mẫu giám sát sự lưu hành của mầm bệnh để khuyến cáo các biện pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả…
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 10 xã, 13 thôn với 31 hộ chăn nuôi thuộc các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên và Chiêm Hóa. Qua đó, tỉnh Tuyên Quang đã tiêu hủy 207 con lợn, với trọng lượng gần 7 tấn do nhiễm dịch tả lợn châu Phi.