Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, kết luận của Kiểm toán Nhà nước đề cập 8 vấn đề trong quản lý đầu tư dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây; phần lớn nội dung có liên quan đến thiết kế, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá thiết kế; thẩm quyền quản lý, thẩm định, thi công nghiệm thu, thanh quyết toán.
Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đên biển Tây được triển khai cách nay gần 10 năm nên chính sách có nhiều thay đổi. Và trong khoảng thời gian dài đê biển Cà Mau phải chịu nhiều tác động tiêu cực, diễn biến phức tạp của biến đối khí hậu, nước biển dâng…. Địa bàn triển khai dự án rất đặc thù như: nền đất yếu, vùng rừng và dự án được nâng cấp trên tuyến đê biển trước đây. Cùng đó, việc quản lý của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng còn hạn chế cần phải nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục.
Thời gian qua, địa phương đã cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn; nhất là triển khai nhiều giải pháp bảo vệ an toàn đối với tuyến đê biển Tây theo hướng đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra thất thoát kinh phí của nhà nước. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung ưu tiên khảo sát, đánh giá hiện trạng đê biển và báo cáo, đề xuất phương án xử lý sạt lở, sụt lún đê biển Tây, nhưng phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Tuy nhiên, việc xử lý theo hướng phải đảm bảo về chất lượng công trình, không để xảy ra thất thoát kinh phí, ngân sách của nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khẳng định, quan điểm của UBND tỉnh là xử lý nghiêm túc, triệt để, thấu tình đạt lý theo nội dung kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Việc xử lý về trách nhiệm người liên quan sẽ thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật nếu nguyên nhân đến từ việc chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý thực hiện dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây.
UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tỉnh phối hợp trong xây dựng kế hoạch để chỉ đạo thực hiện toàn diện, chặt chẽ nhằm để nhanh chóng chấn chỉnh, khắc phục có hiệu quả những vấn đề tồn tại, hạn chế mà kết luận Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát, xử lý về trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn; yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục giải trình làm rõ một số nội dung mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước nêu ra liên quan đến tư vấn thiết kế, thi công xây lắp, thi công rà phá bom mìn...
Trên tinh thần nội dung kết luận của Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng tích cực tham mưu đề xuất các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến chỉ đạo để kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong quản lý, triển khai thực hiện dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây, nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước (Khu vực 5) có kết luận kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án đầu xây dựng nâng cấp đê biển Tây tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kết luận số tiền sai phạm trong thực hiện dự án phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng lên gần 96 tỷ đồng; trong đó, hơn 90 tỷ đồng sai do dự toán được duyệt sai dẫn đến thanh toán sai, thanh toán sai so với khối lượng thi công thực tế khoảng 5,4 tỷ đồng...
Thực hiện Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (Chương trình 667), UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án nâng cấp đê biển Tây lần đầu tại Quyết định đầu tư số 1643/QĐ-UBND ngày 27/10/2010 với tổng mức đầu tư gần 922 tỷ đồng, do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lập, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.
Quy mô dự án đê biển có chiều dài 108km, cao trình đê +3m, đảm bảo tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều. Đây là công trình hết sức quan trọng không chỉ bảo vệ an toàn tính mạng của cư dân ven biển, mà còn có tác dụng ngăn mặn bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.