Ông đánh giá thế nào về vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong tình hình hiện nay?
Nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, là trụ đỡ của nền kinh tế và làm nền tảng đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm với chất lượng được nâng cao, không chỉ cho tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu, đồng thời giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân nông thôn.
Tại Bắc Giang, nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng vào giá trị GRDP của tỉnh (chiếm 17,5%), giải quyết việc làm cho ,4% lao động trong tỉnh.
Thời gian qua, phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Giang có nhiều thành tựu. Vậy, theo ông bài học kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là gì?
Tỉnh Bắc Giang luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nông nghiệp, nông thôn Bắc Giang không ngừng phát triển. Năm 2020 là năm cả nước gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn ngành tăng 6,7%, đạt 36.500 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 120 triệu đồng.
Từ quá trình phát triển thời gian qua cho thấy, bài học kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là: Phải có sự quan tâm sâu sát, định hướng chỉ đạo rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với nông nghiệp, nông thôn; vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách của Trung ương và thường xuyên tổng kết thực tiễn nhằm ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp để khơi thông nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp đối với nông nghiệp, nông thôn. Trong chỉ đạo, điều hành phải huy động sự tích cực tham gia hợp tác, đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã và sự vượt khó vươn lên của người dân; lựa chọn những nội dung trọng tâm, giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên.
Ngoài ra, cần khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương để phát triển nền sản xuất nông nghiệp đa dạng, có hiệu quả kinh tế cao, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết dựa trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, xác định phát triển nông nghiệp là trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Chú trọng khâu bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt làm tốt công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Là đại biểu của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông có kiến nghị, đề xuất gì với Đại hội về những định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới?
Tôi rất vinh dự, tự hào, đồng thời cũng ý thức rõ trách nhiệm của đại biểu tham dự Đại hội. Đến với Đại hội bằng tinh thần của một đảng viên, về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, tôi có một số đề xuất kiến nghị với Đại hội. Trước tiên là cần sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; ban hành cơ chế, chính sách để tích tụ đất đai trong nông nghiệp, tạo ra vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Sớm thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ban hành hệ thống thông tin dự tính, dự báo tình hình giá cả thị trường đối với các mặt hàng nông sản để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; tăng cường đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.
Cùng với đó là rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 tăng gấp từ 1,5-2 lần so với giai đoạn 2016-2020 theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, phòng chống thiên tai, thích nghi với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!