Theo đó, phương hướng, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp tổ chức bộ máy theo Đề án số 16-ĐA/TU bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của tập thể Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh và người đứng đầu các sở, ngành, cơ quan đơn vị và UBND các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương. Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và tình hình, điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Tỉnh sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với quy định. Những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau đề xuất sáp nhập, hợp nhất. Đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp đề xuất giải thể, chuyển giao nhiệm vụ cho đơn vị khác thực hiện hiệu quả cao hơn; hạn chế chia nhỏ, phân tán chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng tính tự chủ về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa, tách dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; giảm số lượng đơn vị sự nghiệp hợp lý.
Các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ được nghiên cứu, đánh giá tổng thể và toàn diện. Thông qua đó, tiến hành sắp xếp, giảm số lượng phòng chuyên môn thuộc sở, ngành; sắp xếp giảm số lượng đơn vị trực thuộc chi cục; sắp xếp giảm cơ cấu tổ chức bên trong chi cục theo hướng mỗi chi cục không quá 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
Các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, nhu cầu học tập của xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và trong vùng; nghiên cứu đề xuất sáp nhập hoặc tổ chức lại các trường cao đẳng thuộc tỉnh theo hướng chỉ còn 1 đầu mối đào tạo nghề công lập đa ngành, đa lĩnh vực.
Các đơn vị sự nghiệp y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn... trên địa bàn tỉnh cũng được rà soát đánh giá kết quả hoạt động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng hoạt động; nghiên cứu, thực hiện sáp nhập, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ. Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sáp nhập các công ty thủy lợi theo hướng giảm đầu mối và làm cơ sở để tiếp tục hợp nhất thành 1 công ty thủy lợi vào những năm tiếp theo...
Vĩnh Phúc đã rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần tăng tính linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, địa phương tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, cấp, tổ chức, cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu trình Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án và triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực thi công vụ được nâng lên.
Thông qua sắp xếp, khối quản lý nhà nước, toàn tỉnh đã giảm được 5 chi cục, 84 phòng chuyên môn và 116 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 142 thôn, tổ dân phố; giảm trên 11% tổng biên chế so với thời điểm 30/11/2016. Nhiều mô hình mới được mạnh dạn triển khai thí điểm, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. Các đơn vị sự nghiệp công được đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giúp chủ động hơn trong việc chuyển đổi cơ chế hoạt động, tích cực khai thác nguồn thu, đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công có chất lượng cao; đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước. Nhiều cơ quan, đơn vị được rà soát, sửa đổi, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm bớt sự chồng chéo.
Công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai ở những năm trước, nhiệm kỳ trước và được đánh là một thành công lớn, một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí tiết kiệm được do tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 285 tỷ đồng/năm. Hàng loạt xe công đã được tỉnh thu hồi; hàng chục trường học được sáp nhập do số lượng học sinh, sinh viên thiếu hụt so với kế hoạch, quy mô đào tạo. Tỉnh xóa bỏ cơ chế đặc thù nhiều tổ chức hội. Toàn tỉnh đã giảm 1.432 biên chế là công chức, viên chức và đặc biệt tỉnh giảm 10.704 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn...