Xây dựng bộ công cụ kiểm soát lũ cho thành phố Tam Kỳ

Xây dựng bộ công cụ kiểm soát lũ cho thành phố Tam Kỳ nhằm tiến tới xây dựng thành phố hoàn toàn thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu là chủ đề chính của Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt thành phố Tam Kỳ và vùng phụ cận” do tỉnh Quảng Nam và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào chiều 25/11.

Chú thích ảnh
Bến xe Tam Kỳ ngập trong nước, tháng 10/2021. Ảnh: Phước Tuệ/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đồng chủ trì Hội thảo.

Những năm gần đây, khi xảy ra các trận mưa lớn diện rộng thì các đường phố, khu dân cư trên địa bàn Tam Kỳ bị ngập nặng. Trong khi đó, việc tiêu thoát lũ tự nhiên của đô thị bị thu hẹp, các dự án khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại đô thị Tam Kỳ đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ khiến tình trạng ngập lũ ngày càng nặng thêm. Do vậy, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân ngập lụt thành phố Tam Kỳ và các vùng phụ cận một cách căn cơ, khoa học để trên cơ sở đó xác định bộ công cụ kiểm soát lũ cho thành phố Tam Kỳ là vấn đề vừa cấp thiết vừa lâu dài.

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tình trạng ngập úng nhiều nơi trên địa bàn thành phố là do hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, cụ thể là đường ống dẫn nước ra các hệ thống thoát nước chung của thành phố chưa được hoàn thiện. Ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu khiến lượng mưa lớn bất thường xảy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Khi mực nước sông Bàn Thạch dâng khoảng 2,5 mét thì hệ thống thoát nước thành phố không thoát được ra sông tại các cửa thoát trên tuyến đê Bàn Thạch, gây ngập úng tại các vị trí trũng thấp toàn đô thị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Công (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), Chủ nhiệm đề tài “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt thành phố Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”, đã nhận diện được nhiều yếu tố bất lợi gây ngập lụt cục bộ đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận. Theo ông, Tam Kỳ với hướng kiến tạo tự nhiên bất lợi cho tiêu và thoát lũ. Bằng chứng là độ dốc sông bé, cao trình đáy sông thấp, cộng với việc chịu tác động trực tiếp mực nước triều. Năng lực tiêu thoát lũ của hệ thống sông kém do lòng sông bị thu hẹp và trữ lượng nước bị suy giảm từ việc san lấp và nâng cao mặt bằng vùng trũng thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập sâu ở Tam Kỳ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, cho rằng thành phố phải xác định hành lang thoát lũ cho các sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, Đầm và Trường Giang để đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế ứng với một tần suất lũ nhất định. Việc xác định hành lang thoát lũ cho lưu vực sông vùng nghiên cứu là tính toán bề rộng mặt cắt ngang đoạn sông để đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế. Thêm vào đó, thành phố cần xác định mực nước gia tăng tại mặt cắt tính toán khi có các công trình, khu dân cư để làm cơ sở xác định quy trình quy hoạch chống lũ và quy hoạch khu dân cư, đồng thời thực hiện phân lũ và kiểm soát lũ trên sông Bàn Thạch và vùng trũng phía tây Tam Kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, xác định căn nguyên dẫn đến tình trạng ngập lụt ở Tam Kỳ và vùng phụ cận là công việc đòi hỏi mang tính khoa học, cần tranh thủ ý kiến phản biện đa chiều của các chuyên gia xây dựng, thủy lợi và nhiều ngành liên quan khác nhau. 

“Tình trạng ngập lụt ở Tam Kỳ phải được đánh giá trên phạm vi rộng, dựa trên hệ số tần suất mưa trong thời gian gần đây, nhất là chuỗi số liệu về lượng mưa cụ thể trong ba năm. Chúng ta phải lượng hóa mức độ thiệt hại do lũ lụt gây ra và tác động của nó đến phát triển kinh tế- xã hội, trên cơ sở đó tính toán, đưa ra những giải pháp cụ thể và có tính khả thi cao. Quan trọng nhất là phải tìm được giải pháp khoa học, có tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn trong việc chống ngập cho thành phố Tam Kỳ phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong quá trình chống ngập cho thành phố Tam Kỳ phải xác định rõ là cần sống chung hài hòa, thích ứng với lũ hay chống lũ triệt để bằng các giải pháp công trình. Chống ngập cho thành phố Tam Kỳ phải dựa trên các dữ liệu là lượng mưa lớn trên diện rộng, cùng lúc với triều cường và khả năng hồ Phú Ninh xả lũ.

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cuộc tổng rà soát lại quy hoạch xây dựng thành phố Tam Kỳ, trên cơ sở đó sẽ đánh giá toàn diện sự tác động của các công trình cơ sở hạ tầng đến quá trình ngập và thoát lũ của thành phố, tiến tới xây dựng thành phố Tam Kỳ hoàn toàn thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu; xây dựng được bộ công cụ kiểm soát lũ cho thành phố Tam Kỳ và các vùng phụ cận.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với thiên tai
Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với thiên tai

Ngày 6/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thực hiện nghiêm Công điện số 511/VPTT ngày 5/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN