Xây dựng tỉnh Đắk Lắk xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đang hồ hởi, phấn khởi trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng quyết định những vấn đề mang tầm chiến lược trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh của tỉnh nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Những dấu ấn nổi bật

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: baodaklak.vn

Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Hầu hết các chỉ tiêu của nhiệm kỳ vừa qua đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 8,75%/năm (theo giá so sánh với năm 2010). Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, hoạt động du lịch phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 11,63%/năm; năm 2020 ước đạt 82.650 tỷ đồng, gấp 1,73 lần so với năm 2015.

Một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ qua là nông nghiệp phát triển khá toàn diện, từng bước hướng đến nền nông nghiệp hiện đại. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang triển khai theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, thu hút đầu tư vào sản xuất và chế biến. Việc chú trọng phát triển theo hướng an toàn, có chứng nhận đã tạo nền tảng và đà phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2020 đạt 112 triệu đồng/ha, cao gấp 1,37 lần so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi được đầu tư, đảm bảo chủ động tưới cho 82% diện tích cây trồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng, đi vào chiều sâu, được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình giai đoạn 2011-2020 hơn 140.700 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 3.400 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, lũy kế toàn tỉnh có 61/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cơ cấu nội bộ công nghiệp – xây dựng chuyển dịch tích cực, năng lượng tái tạo phát triển nhanh với 1 dự án điện gió, 5 dự án điện mặt trời. Sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao, tỷ trọng lớn và thị trường tiêu thụ tốt như đường, thép, bia, máy bơm nước, bê tông, cà phê bột. Bên cạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch cảnh quan và nghỉ dưỡng, tỉnh Đắk Lắk đã hình thành một số khu du lịch trọng điểm tại thành phố Buôn Ma Thuột, triển khai các tour “du lịch cà phê”, “du lịch trải nghiệm”. Các nghi thức, lễ hội văn hóa được khai thác hiệu quả, góp phần quảng bá đặc trưng du lịch của tỉnh. Doanh thu từ hoạt động du lịch nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 4.231 tỷ đồng với hơn 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 9,3%.

Trong nhiệm kỳ qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được tỉnh đặc biệt quan tâm. 100% sở, ngành, địa phương đã triển khai Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk. Nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định chung. Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến tích cực. Doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mạnh về số lượng. 5 năm qua, tỉnh có 4.937 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bình quân vốn đăng ký đạt 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 559 hợp tác xã. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã những năm nay phát triển khá, doanh thu bình quân 1,5 tỷ đồng/hợp tác xã/năm.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị. Hệ thống các trường đại học, phân hiệu học viện, phân hiệu đại học... từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, khu vực Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh thu hút được 47 dự án xã hội hóa giáo dục và y tế, với tổng vốn đầu tư trên 1.242 tỷ đồng; qua đó đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn cán bộ y, bác sỹ và nhân viên ngành y tế và trên 3.400 cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Năm 2020, số giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) của tỉnh ước đạt 27 giường; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50% kế hoạch (tăng 1,7% so với năm 2019); 100% thôn, buôn có trường hoặc lớp mẫu giáo.

Tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc. Năm năm qua, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 142.770 lao động, xuất khẩu lao động khoảng 4.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm, xuống còn 4,99% năm 2020; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 5%/năm. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, giữ vững ổn định chính trị. Hoạt động đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng mở rộng. Tỉnh đã ký kết 19 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài trong các lĩnh vực hợp tác về năng lượng xanh, môi trường, giáo dục, viện trợ nhân đạo.

Vui mừng trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, già Y Dhăk Niê Kdăm, buôn Tul, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, chia sẻ: Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, đời sống người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được thay đổi rõ rệt. Nhà nhà có xe máy, ti vi, biết nắm bắt thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước qua chương trình thời sự, đặc biệt là biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sự thay đổi đó là nhờ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả và hệ thống chính trị ở thôn, buôn, tạo được niềm tin trong nhân dân.  

Theo Bí thư Chi bộ buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk,  Y Hiền Niê, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới một cách đầy đủ, nhờ đó mà hệ thống điện – đường – trường - trạm, thủy lợi ở xã hiện nay khá hoàn chỉnh. Ở buôn, 100% hộ dân có điện, không còn hộ đói, số hộ nghèo đã giảm dần. Sự chung tay của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã giúp buôn xóa nhà tranh vách nứa, khiến nhân dân phấn khởi.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Lê Chí Quyết cho rằng, trong nhiệm kỳ 2015-2020 còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã giữ vững ổn định chính trị, giúp người dân yên tâm sản xuất, tạo tiền đề để tỉnh phát triển mọi mặt. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ qua, tỉnh đã quan tâm chăm lo tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện tương đối nhanh, có hiệu quả nhất định.

Niềm tin và kỳ vọng

Chú thích ảnh
Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: baodaklak.vn

Trong buổi họp báo về công tác chuẩn bị Đại hội, Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”. Chủ đề của Đại hội cũng là kỳ vọng, niềm mong mỏi của đông đảo người dân Đắk Lắk trong nhiệm kỳ mới.

Già Y Dhăk Niê Kdăm, buôn Tul, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, kỳ vọng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ bầu ra những cán bộ nhiệt tình, sâu sắc, quan tâm và am hiểu người dân. Việc thực hiện Nghị quyết, chính sách cần thường xuyên, hiệu quả, tránh trường hợp “Nói không đi đôi với làm” hoặc xa rời quần chúng. Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư hơn cho vùng sâu vùng xa, đặc biệt là hệ thống giao thông để giao thương hàng hóa thuận lợi và có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo vượt khó, hỗ trợ việc làm cho con em dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Theo Bí thư Chi bộ buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Y Hiền Niê, Đảng đã đưa một cán bộ huyện có năng lực, có trình độ, biết chỉ đạo, được nhân dân tín nhiệm về làm Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng. Ông Y Hiền Niê kỳ vọng, Đại hội sẽ chọn được đội ngũ lãnh đạo đủ đức, đủ tài, đủ năng lực; công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có khuyến cáo cụ thể về sản xuất cho người dân, có chính sách giãn thời gian đóng lãi cho nông dân do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Là doanh nghiệp tiên phong đầu tư điện gió tại Đắk Lắk, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE Nguyễn Hoàng Hiệp tin tưởng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, mảng quy hoạch đấu nối và hạ tầng truyền tải chưa phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Tỉnh cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng và nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng thông tin hoặc hệ thống một cửa trên mạng internet. Việc đầu tư điện gió đang gặp nhiều đầu mối, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, tỉnh nghiên cứu giao cho một đầu mối đủ khả năng giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Lê Chí Quyết cho hay, trong nhiệm kỳ mới, hệ thống chính trị thôn, buôn, tổ dân phố được củng cố, xây dựng vững mạnh; cần phân công người theo dõi công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ sát dân, ăn ở với dân, học tiếng của dân, tâm sự với dân, “nói đúng, làm trúng”, nêu gương được. Công tác phê bình và tự phê bình, xử lý cán bộ sai phạm cần được thực hiện nghiêm minh. Đắk Lắk xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, phải lấy dân làm nền tảng, dân làm gốc, đẩy mạnh vận động quần chúng và cả hệ thống chính trị làm tốt công tác dân vận.

Những thành tựu tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong 5 năm qua đã tạo bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo động lực để “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”. Những trăn trở, kỳ vọng của người dân sẽ được tháo gỡ, hiện thực trong nhiệm kỳ tới, để Đắk Lắk tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Hoài Thu (TTXVN)
Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội: Phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh và hiện đại
Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội: Phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh và hiện đại

Chiều 13/10, ngay sau phiên bế mạc, Thành ủy Hà Nội đã họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội là phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN