Theo đó, các đơn vị đang hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch; xây dựng và ứng dụng qui trình canh tác đạt các tiêu chuẩn, chất lượng được quy định tại Việt Nam như VietGAP, hữu cơ…, tiến tới đạt các tiêu chuẩn của thế giới như GlobalGAP, EurepGAP, JAS để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp quy hoạch xây dựng vùng trồng cây ăn trái đặc sản tập trung giúp người dân dễ quản lý, kiểm soát, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để giảm chi phí sản xuất, đủ sản phẩm chất lượng để xây dựng thương hiệu trái cây, tạo thuận lợi để xúc tiến thương mại, liên kết vớ doanh nghiệp tạo đầu ra bền vững và nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Trần Văn Út Tám, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh cho biết, chương trình đã hỗ trợ chứng nhận nhãn hiệu 28 sản phẩm trái cây; trong đó, có 10 sản phẩm trái cây chế biến.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, để trái cây đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên thị trường và hướng tới thị trường ngoài nước, nhà vườn cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh hoc, chọn giống cây ăn trái tốt để tạo ra sản phẩm đạt cao về chất lượng, mẫu mã. Chỉ khi có sản phẩm trái cây đặc sản chất lượng cao, nhà vườn mới có thuận lợi để xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc minh bạch, liên kết được với các doanh nghiệp thu mua, chế biến đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị trong nước và nước ngoài. Từ đó, đảm bảo được đầu ra, nâng cao chuỗi giá trị cho trái cây đặc sản.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết thêm, tỉnh có khoảng hơn 18.000 ha, chiếm gần 43% tổng diện tích cây lâu năm; trong đó, diện tích cây đặc sản có múi chiếm hơn 40 %. Tuy diện tích vườn cây ăn trái khá lớn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cho nông dân chưa cao.
Nguyên nhân do vườn cây ăn trái được nông dân trồng theo phương cách truyền thống, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật từ khâu chọn cây giống đến chăm sóc để tạo ra sản phẩm sạch, đạt chất lượng về mẫu mã, thiếu liên kết bền vững thị trường tiêu thụ nên thường bị rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”.