Hình thành văn hóa giao thông
Sau khi Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch xây dựng “Tỉnh an an toàn giao thông” được ban hành, các cấp, ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai với tinh thần quyết tâm, khẩn trương.
Đến nay, cấp tỉnh, huyện, xã đều thành lập tổ thường trực xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” tập trung giải quyết, tháo gỡ những vấn đề nảy sinh và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thành phố Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trong tỉnh ra quân thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị.
Chỉ sau hơn 1 tuần (từ ngày 28/4 đến ngày 4/5), Công an thành phố Bắc Ninh và Công an các phường xử phạt nhiều trường hợp vi phạm với tổng số tiền 650 triệu đồng.
Trong đó, lỗi vi phạm nồng độ cồn 125 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 194 trường hợp, chở quá tải trọng trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 150 trường hợp; tạm giữ 94 phương tiện, 75 giấy phép lái xe, phạt nguội 23 trường hợp.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Văn Hiếu, trước khi ra quân xử lý các hành vi vi phạm, thành phố đã yêu cầu UBND các phường tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân về các quy định dừng, đỗ phương tiện khi tham gia giao thông; đồng thời, tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm trật tự công cộng trên địa bàn… Sau 1 tuần ra quân, nhờ sự đồng tình ủng hộ của người dân, lòng đường, vỉa hè đã thông thoáng hơn.
Chị Nguyễn Thị Yến (đường Nguyễn Du, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh) cho hay, chị bán hàng hoa quả tại khu chợ Ninh Xá (phường Ninh Xá) khoảng 10 năm nay. Trước đây, do diện tích cửa hàng nhỏ và để quảng bá sản phẩm, chị thường tận dụng khoảng 1/3 diện tích vỉa hè để bày hàng. Đến nay, sau khi được địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, chị đã khắc phục trả lại phần vỉa hè chiếm dụng và dọn hàng bày bán trong cửa hàng.
Cùng với đẩy mạnh xử lý các vi phạm về trật tự công cộng, trật tự đô thị, lực lượng Công an tỉnh đã tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Trong tháng 4/2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh ra quyết định xử phạt gần 2.400 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
Trong đó, thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quá tải, lực lượng chức năng kiểm tra và lập biên bản hơn 1.000 trường hợp quá tải trọng và cơi nới thành, thùng xe; xử lý gần 250 trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định; hơn 580 trường hợp không có giấy phép lái xe...
Nhờ đó, ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên.
Anh Nguyễn Văn Chiến (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh) chia sẻ, trước đây, anh thường có thói quen uống bia sau khi luyện tập thể thao. Từ khi lực lượng Công an đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, anh đã chấp hành nghiêm, nhất là không sử dụng rượu, bia, các chất có cồn khi tham gia giao thông. Anh còn thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện đúng quy định.
Việc chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần hạn chế tai nạn giao thông, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi nhà.
Triển khai quyết liệt, tránh hình thức
Nhờ thực hiện các biện pháp quyết liệt xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, tình hình trật tự an toàn giao thông của địa phương được đảm bảo, người dân đồng tình, đánh giá cao. Anh Nguyễn Văn Thắng (phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh) cho biết, trước đây, anh thường xuyên thấy các phương tiện dàn hàng ngang trên đường khi tham gia giao thông, thậm chí lạng lách, đánh võng, nhất là các đối tượng thanh, thiếu niên, hay cảnh người dân không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy… Đến nay, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, đường phố không còn cảnh bán hàng rong, bày hàng tràn lan trên vỉa hè. Anh mong muốn, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, góp phần hình thành văn hóa giao thông.
Lựa chọn xây dựng Bắc Ninh là “Tỉnh an toàn giao thông”, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 87-NQ/TU ngày 15/3/2023 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xác định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ mang tầm quốc gia và đã có nhiều chủ trương, giải pháp, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Tuy nhiên, tình hình tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, ùn tắc giao thông ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đề nghị các cấp ủy Đảng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đưa nhiệm vụ này vào nội dung sinh hoạt định kỳ của Chi bộ, cơ quan, đơn vị; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
Cán bộ, đảng viên cần tự giác nêu gương chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đồng thời, vận động gia đình, người dân tích cực tham gia thực hiện, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân…
Khi xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, Bắc Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Hạ tầng giao thông tuy được quan tâm đầu tư song chưa tương xứng với quy mô phát triển kinh tế - xã hội và mật độ phương tiện; còn một số bất cập về tổ chức giao thông; hình thành một số điểm ùn tắc giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu, để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, các địa phương cần tập trung mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị.
Sau khi trật tự này được thiết lập, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, huy động các lực lượng thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tái vi phạm hoặc vi phạm mới.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các phương án, giải pháp thuộc chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền; chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Các đơn vị, địa phương vừa kiểm tra, xử lý vừa tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức tự giác chấp hành, thiết lập trật tự thông qua sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; tổ chức ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị với tinh thần quyết liệt, nghiêm minh, đúng quy định, không có đặc thù, đặc biệt, ngoại lệ trong xử lý, tránh để xảy ra tình trạng phản cảm, gây dư luận xấu../.