Nhiều tổ truyền thông đã được thành lập tại cơ sở, hoạt động thông qua hình thức: Giao lưu, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề về những kiến thức bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình… với kỹ năng, phương pháp truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa bàn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong cộng đồng cho các đối tượng là Trưởng thôn, bản; Bí thư Chi bộ; Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; người có uy tín trong cộng đồng, hội viên nòng cốt... tại các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai.
Các học viên được trang bị kiến thức như: khái niệm cơ bản về giới và lồng ghép giới; vấn đề giới nổi bật ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; truyền thông về bình đẳng giới; lồng ghép giới; giải pháp thu hút sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực gia đình...
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Liên hoan các mô hình truyền thông xóa bỏ định kiến giới, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em năm 2023, nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng.
Hơn 250 thành viên thuộc 36 đội thi đến từ các Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, thị trấn vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn 6 huyện của tỉnh Thái Nguyên đã tham gia chương trình. Các đội trải qua hai nội dung dung thi gồm: Tìm hiểu kiến thức và Năng khiếu. Phần tìm hiểu kiến thức xoay quanh chủ đề về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, bạo lực gia đình, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; mua bán phụ nữ và trẻ em.
Phần năng kiếu, các đội tham gia bằng hình thức diễn kịch hoặc tiểu phẩm. Nhiều tiết mục có nội dung và ý nghĩa gần gũi, phản ánh chân thực đời sống hàng ngày của bà con, tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem như: Tiểu phẩm “Nỗi khổ đàn bà” của xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai; “Câu chuyện chưa hồi kết” của xã Bảo Linh, huyện Định Hóa; “Chuyện nhà ông Họ” của xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình…
Đây là dịp để cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, các mô hình truyền thông tại cộng đồng được giao lưu, học hỏi, trao đổi những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác truyền thông. Qua đó, giúp thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông phù hợp và hỗ trợ cho các hoạt động của các mô hình truyền thông cộng đồng, góp phần thúc đấy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.