Bản làng đổi thay
Bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê) có 46 hộ với 155 nhân khẩu là người dân tộc Chứt. Những năm trước, đời sống người Chứt ở Rào Tre gặp nhiều khó khăn vì sống tách biệt với bên ngoài do giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, đó là chuyện của trước đây, hiện nay đời sống người dân tộc Chứt đã đổi thay.
Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Bản Giàng đi thăm bản trong những ngày đầu Xuân mới cảm nhận được không khí Tết đến Xuân về, sự đổi thay rõ nét trong đời sống của người Chứt. Những đổi thay đến từ hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội.
Thực hiện Đề án “Phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre” giai đoạn 2014-2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đến nay một phần cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh của người Chứt đã được cải thiện. Hiện nay, tại bản Rào Tre có 20 trẻ trong độ tuổi từ 6-10 và 25 trẻ trong độ tuổi từ 11-18. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ cập chính sách ưu đãi nên 100% học sinh trong độ tuổi đều tham gia học tập ở các bậc học. Tại bản Rào Tre vừa khánh thành và đưa vào sử dụng nhà văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 6 tỉ đồng. Toàn bản có 2 cụm loa truyền thanh, 20/43 hộ có vô tuyến.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, các hộ dân ở bản được hỗ trợ làm nhà ở kiên cố. Đến nay, toàn bản xây mới được 20 nhà ở, sửa chữa 17 nhà trị giá 2,1 tỉ đồng. Từ chỗ sống du mục, nay đây mai đó, đến nay trên cánh đồng Kà Đay, người Chứt đã trồng lúa mỗi năm 2 vụ, phát triển chăn nuôi. Toàn bản có gần 30 con trâu, bò và hàng trăm con gia cầm các loại.
Trưởng bản Rào Tre Hồ Thị Kiên vui mừng khoe, từ khi Nhà văn hóa cộng đồng của bản đưa vào sử dụng, đến nay bà con có địa điểm sinh hoạt nên ai nấy đều phấn khởi. Các cuộc họp tại bản được tổ chức thường xuyên, thuận lợi hơn để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con.
Xuân mang niềm tin mới
Những con đường quanh bản Rào Tre hiện nay đều được bê tông hóa thẳng tắp, hai bên đường, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió Xuân. Người Chứt vốn dĩ có Tết riêng của họ, đó là Tết Chăm cha bới và Tết Lấp lỗ, nhưng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc vẫn là ngày Tết được bà con mong chờ nhất. Sau một năm vất vả, tất bật với cuộc sống, Tết đến, Xuân về là lúc người Chứt quây quần bên nhau, kể về một năm đã qua và chúc nhau những điều tốt đẹp.
Ngày Tết cổ truyền, mỗi gia đình người Chứt dù bận rộn đến đâu đều sắm cho mình một cành đào và vài cây mía, trang trí bóng nháy. Điều đặc biệt là, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ như một niềm tự hào vì là tộc người được mang họ Bác. Dịp cuối năm, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người Chứt được hỗ trợ thịt, gạo nếp và tiền mặt để vui Tết, đón Xuân.
Bà Hồ Thị Nam, người Chứt đầu tiên được kết nạp Đảng năm nay đã ngoài 60 tuổi, bồi hồi nhớ lại mỗi mùa Xuân mới, bà đều vui mừng vì đời sống bà con người Chứt đổi mới, sung túc hơn. Người Chứt trọn đời ơn Đảng, ơn Bác Hồ, biết ơn các chú Bộ đội Biên phòng đã giúp thay đổi cuộc sống đồng bào Chứt.
Trung tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, những ngày Tết, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Bản Giàng cắt cử chiến sĩ trực và cùng đón Tết với bà con. Năm nào cũng vậy, trước thềm năm mới, Bộ đội Biên phòng đều tổ chức gói bánh chưng cùng người dân để bà con hiểu được ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Những ngày đầu năm mới, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cắm bản đều đi một vòng quanh bản chúc Tết các gia đình và nhắc nhở bà con đón Tết vui Xuân an toàn, văn minh. Bản Rào Tre giờ đã có 10 đảng viên là những cánh tay nối dài để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào.
Một năm mới lại về dưới chân núi Kà Đay, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng người Chứt vẫn một lòng gửi trọn niềm tin theo Đảng, bởi với bà con, Đảng là mùa Xuân.