Thuốc remdesivir đã được phê chuẩn tại Mỹ ngày 1/5 vừa qua, sau khi các thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc giúp rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân nặng từ khoảng 15 ngày xuống còn 11 ngày, và giảm tỷ lệ tử vong xuống còn khoảng 7%, so với con số 12% đối với những bệnh nhân không dùng thuốc. Châu Âu cũng dự định sớm phê chuẩn sử dụng thuốc này để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Chính phủ Mỹ tuần này thông báo đã mua 92% nguồn thuốc remdesivir, do tập đoàn dược phẩm Gilead Science của Mỹ sản xuất, cho đến cuối tháng 9 tới, tức là khoảng 500.000 liều trong tổng số gần 550.000 liều. Mỗi liều gồm trung bình 6,25 lọ nhỏ.
Bộ trưởng Dịch vụ y tế và con người Alex Azar cho biết Tổng thống Donald Trump "đã đạt một thỏa thuận tuyệt vời nhằm đảm bảo rằng người Mỹ có thể tiếp cận với liệu pháp điều trị COVID-19 đầu tiên được cấp phép".
Việc Mỹ mua phần lớn nguồn cung thuốc nói trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khan hiếm thuốc ở các nước khác trên thế giới, nhưng ít nhất hai nước châu Âu cho biết họ không lo lắng việc này.
Người phát ngôn Thủ tướng Anh cho biết: "Anh đã sử dụng thuốc remdesivir một thời gian, đầu tiên trong các cuộc thử nghiệm và giờ đây trong việc tiếp cận sớm với phác đồ điều trị. Anh hiện có một lượng dự trữ đủ dùng".
Tại Đức, một người phát ngôn Bộ Y tế cho biết: "Chính phủ đảm bảo lượng dự trữ thuốc remdesivir từ sớm để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hiện đã có đủ dự trữ".
Tập đoàn Gilead cho biết đã cấp miễn phí giấy phép cho 9 nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ, Pakistan và Ai Cập có quyền phân phối các phiên bản của remdesivir tại 127 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Trung Mỹ. Tháng 5 vừa qua, Giám đốc Gilead, ông Daniel O'Day cho biết remdesivir sản xuất tại Mỹ cũng có thể được xuất khẩu.
Theo giới chuyên gia, các nhà máy dược phẩm trên thế giới có thể tăng công suất sản xuất remdesivir để đáp ứng nhu cầu. Vấn đề duy nhất là họ có thể làm nhanh đến mức nào.