Ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh gồm: tại Kiên Giang (3), Tây Ninh (3), Khánh Hòa (1), Quảng Trị (1), An Giang (1). Trong nước ghi nhận 2 ca mắc mới, tại TP Hồ Chí Minh (218), Bình Dương (40), Bắc Giang (26), Quảng Ngãi (20), Bắc Ninh (16), Nghệ An (11), Đồng Nai (11), Phú Yên (10), Hà Tĩnh (7), Long An (6), Bình Thuận (6), Lạng Sơn (2), Quảng Ninh (2), Hưng Yên (2), Hòa Bình (1), Đà Nẵng (1), Hải Phòng (1), Đồng Tháp (1), Đắk Lắk (1); trong đó 340 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính đến 18 giờ 30 phút ngày 28/6, Việt Nam có tổng cộng 14.263 ca ghi nhận trong nước và 1.778 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 12.693 ca, trong đó có 3.745 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Cả nước có 13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ.
Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.
Từ ngày 29/4 đến nay đã thực hiện 2.998.885 xét nghiệm cho 7.044.133 lượt người.
Trong ngày 28/6, có 200 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, như vậy là Việt Nam đã có 6.519 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh tính đến thời điểm này.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với một số địa phương, chiều 28/6. ông, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)Đặng Quang Tấn cho biết, dịch COVID-19 đang được kiểm soát. Tuy nhiên, các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận - nơi có mật độ giao lưu lớn, nhiều nhà máy, khu công nghiệp.
Hiện nguy cơ dịch bệnh còn rất cao do lây nhiễm từ các khu cách ly thực hiện cách ly không đúng quy định; do nhập cảnh trái phép từ các nước láng giềng; sự chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch của các địa phương, cơ quan đơn vị, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Bên cạnh đó, biến chủng Dealta (Ấn Độ) có khả năng lây lan mạnh, lây truyền cao hơn 40-50% so với biến chủng Alpha (Anh).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng lưu ý, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào các địa phương rất lớn do có nhiều tuyến vận tải liên tỉnh, điểm du lịch…; trong khi đó, việc trao đổi thông tin về các trường hợp F0, F1, F2 giữa các địa phương còn chậm. Do đó, khi tình hình dịch bệnh chưa phức tạp, các địa phương phải tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm; nỗ lực giữ an toàn cho các bệnh viện; xác định những khu vực có nguy cơ cao ngoài cộng đồng như bến tàu, bến xe, chợ… để xét nghiệm tầm soát, sàng lọc (chủ yếu qua xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp, xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ có hiệu quả khi dịch diễn biến phức tạp).
Về thực hiện khoanh vùng, giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những yêu cầu lớn nhất của giãn cách xã hội là nhằm ngăn tiếp xúc, làm chậm tốc độ lây của virus, không tập trung đông người. Tùy theo tình hình, các địa phương tự quyết định diện khoanh vùng và khẩn trương xét nghiệm để xác định phạm vi khoanh vùng hẹp, chặt nhất có thể.
Xét nghiệm diện rộng để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất
Mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn Thành phố, đồng thời toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch, cố gắng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể. Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố ngày 28/6.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan rất nhanh và rộng tại thành phố. Các ổ dịch cộng đồng lớn tại thành phố ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa; đã ghi nhận các bệnh nhân làm việc trong các khu công nghiệp, bệnh nhân là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng. Dự báo trong những ngày tới, dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Lo ngại khi ngày thứ 12 liên tiếp thành phố ghi nhận số ca mắc COVID-19 lên đến 3 con số mỗi ngày, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu cả thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch hết sức nghiêm túc.
Tuần qua là thời gian đặc biệt khi TP Hồ Chí Minh phải thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ nặng nề. Đó là, triển khai các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 do biến chủng Delta phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, đặc tính khác với virus 3 đợt trước, lây lan nhanh, đồng thời thực hiện đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, cho khoảng 800.000 người.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chia sẻ: Công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 dù có vấn đề trong 1-2 ngày đầu nhưng sau đó đã được điều chỉnh và đến giờ phút này đã thành công, an toàn. Dù thời gian tiêm chủng chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần. Đó là sự nỗ lực đáng khâm phục của tất cả các lực lượng tham gia vào đợt tiêm chủng cũng như sự hợp tác của người dân thành phố. Tính đến 18 giờ ngày 27/6, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 710.773 người đã được tiêm vaccine phòng COVID - 19.
Về việc triển khai cách ly F1 tại nhà theo đề nghị của Bộ Y tế, Sở Y tế đã giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) xem xét, tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 và UBND TP Hồ Chí Minh quyết định.
Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp; ban hành kế hoạch tầm soát lấy mẫu để đưa ra biện pháp phù hợp, sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới.