Các chuyên gia y tế Australia cũng đang ráo riết tìm hiểu thêm về tình trạng này từ các đối tác nước ngoài vì cho rằng vấn đề này cần được quan tâm khẩn cấp.
Các nghiên cứu từ Đại học Tasmania và Đại học Deakin ước tính có tới 500.000 người Australia có thể mắc hội chứng COVID kéo dài vào đầu tháng 12 tới, và hơn 1/5 trong số này chịu"tác động đáng kể".
Theo nhà nghiên cứu Martin Hensher của Đại học Tasmania, việc lập mô hình các số liệu dài hạn về hội chứng COVID kéo dài dựa trên số ca mắc COVID-19 từ đầu năm 2021 đến ngày 4/9 vừa qua, và nhóm của ông phải lập mô hình vì "không có dữ liệu thực tế tốt".
Ông Hensher cho rằng Australia cần thực hiện các cuộc khảo sát lớn về hội chứng COVID kéo dài trên toàn quốc trong một thời gian, và nên thiết lập các chương trình giám sát lớn để theo dõi số lượng người mắc hội chứng này trên toàn quốc. Các cuộc khảo sẽ cho biết mọi người đang phải chịu đựng căn bệnh ở mức độ nào và những nơi cần tập trung các nguồn lực chăm sóc sức khỏe. Đối với một số người, đây là vấn đề cấp bách, nếu không được giải quyết, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lucette Cysique, một chuyên gia về thần kinh và là người phụ trách một nhóm nghiên cứu của trường Đại học New South Wales, cho biết tại Australia, nguồn tài trợ cho nghiên cứu về COVID-19 và các tác động của đại dịch này rất khan hiếm. Các phòng khám được thành lập để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 lâu năm đã "hoàn toàn quá tải", một số thậm chí đã bắt đầu đóng cửa do cạn kiệt kinh phí, trong khi danh sách bệnh nhân chờ khám khá dài. Cộng đồng chỉ có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trực tiếp thông qua bác sĩ gia đình của họ hoặc thông qua các phòng khám hô hấp của bác sĩ gia đình.
Theo Tiến sĩ Cysique, các quốc gia như Mỹ và Anh hiện đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào nghiên cứu và hỗ trợ liên quan tới bệnh COVID-19. Bà cũng cho rằng cần phải phòng ngừa nhiều hơn và nên khuyến khích đeo khẩu trang để giúp giảm số ca nhiễm trong đợt bùng phát hiện tại.