"Chia lửa" cùng đồng đội nơi điểm nóng
Bộ Y tế và các tỉnh đã và đang cử lực lượng chi viện tối đa cho Bắc Giang với mục tiêu cắt đứt đà lây lan virus SARS-CoV-2 tại các ổ dịch.
Sau khi nhận được công văn đề nghị hỗ trợ của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Y tế đã quyết định cử các y, bác sĩ từ Đà Nẵng, Hải Dương và Bệnh viện Bạch Mai đến chi viện, hỗ trợ trong khoảng 1 tuần.
Đây là những địa phương, cơ sở từng là điểm nóng của COVID-19 trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó. Do đó, lực lượng y tế của 3 đơn vị trên sẽ có kinh nghiệm hỗ trợ Bắc Giang trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Trong chiều 16/5, đoàn công tác gồm 16 chuyên gia y tế do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã xuất phát đến Khu công nghiệp Vân Trung nhằm hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, 267 giảng viên, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cũng vừa lên đường hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch COVID-19. Đây là lực lượng có kinh nghiệm, từng tham gia truy vết, xét nghiệm khi Hải Dương bùng phát dịch COVID-19.
Trươc đó, ngày 15/5, đoàn xe chở 200 cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều trang thiết bị y tế cũng đã có mặt tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ chống dịch COVID-19.
Bước vào trận chiến với tâm thế đưa cuộc sống trở lại bình yên
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang diễn biến rất phức tạp, nhất là tại 2 ổ dịch Khu Công nghiệp Vân Trung (tính đến 12 giờ ngày 16/5 đã ghi nhận 169 trường hợp F0) và Khu Công nghiệp Quang Châu (với 150 ca dương tính). Dự báo trong những ngày tới, số ca bệnh tiếp tục tăng sau khi có kết quả xét nghiệm toàn bộ người lao động của các công ty.
Do cả 2 khu công nghiệp đều nằm trên địa bàn huyện Việt Yên nên lực lượng y tế địa phương phải làm việc hết công suất. Đội đáp ứng nhanh với dịch bệnh COVID-19 của Trung tâm Y tế Việt Yên cũng nhanh chóng được thành lập để đáp ứng tình hình hiện tại.
Chia sẻ về công việc của mình, dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên cho biết: Rạng sáng 9/5 là dấu mốc đặc biệt đối với rất nhiều cán bộ y tế sau khi lấy mẫu cho toàn bộ công nhân làm việc ca đêm tại Công ty TNHH ShinYoung Việt Nam bởi thời gian tới sẽ là những ngày dài mẹ phải xa con, vợ xa chồng dù gia đình chỉ cách nơi làm việc vài ba trăm mét để tập trung cho công việc chống dịch.
Theo dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, đến nay, một ngày làm việc của các y bác sĩ nơi đây có thể kéo dài đến 20 giờ và ngủ 2 tiếng. Với người phụ trách đường dây nóng như dược sĩ Nguyễn Thị Kim Anh có thể nghe 200 cuộc điện thoại một ngày để giải đáp các thắc mắc của người dân về phòng, chống dịch. Đây là thử thách không nhỏ đối với lực lượng y tế tuyến đầu.
Trong số các cán bộ Trung tâm y tế huyện Việt Yên, đa số với mọi người đây là trải nghiệm đầu tiên. Tuy vậy, mọi người cũng nhanh chóng thích nghi với công việc mới và tự sắp xếp cho mình 1 góc nghỉ ngơi tại cơ quan thay vì về nhà với người thân như trước đây.
Còn theo chia sẻ của bác sĩ Diêm Đăng Đích (Trưởng Khoa ), hàng ngày lúc chuông điểm 5 giờ sáng, các bác sĩ và điều dưỡng đã có mặt để quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc 1 ngày của mình. Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự.
“Nhiều đêm tranh thủ chợp mắt vài tiếng mà toàn mơ về quãng thời gian bình yên. Trước đây khi chưa có dịch, vào cuối tuần như hôm nay nếu không phải tuần trực là tôi đưa vợ và con gái 3 tuổi đi chơi phố huyện rồi” - bác sĩ Diêm Đăng Đích chia sẻ. Đó cũng chính là quyết tâm sớm đưa Bắc Giang trở về với cuộc sống bình yên của các y, bác sĩ nơi đây.