Theo đó, F0 được cách ly, chăm sóc, theo dõi, điều trị tại nhà phải được đánh giá phân loại mức độ bệnh là không có triệu chứng lâm sàng; hoặc ở mức độ nhẹ không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy.
Đối với người đã tiêm đủ 2 liều hoặc mới tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày, nếu có bệnh nền phải đang trong giai đoạn ổn định; người chưa tiêm hoặc tiêm 1 liều vaccine nhưng chưa đủ 14 ngày phải đảm bảo điều kiện là trẻ em trên 1 tuổi hoặc người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền; không đang mang thai.
Ngoài ra, F0 phải có khả năng tự chăm sóc bản thân, biết cách đo thân nhiệt, có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc (toa) của bác sỹ; có thể tự ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân...; có khả liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính...
F0 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm. Tuy nhiên, nên hạn chế số lượng người chăm sóc.
Về điều kiện cơ sở vật chất, tại nơi F0 cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà phải có nhà ở riêng lẻ; trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19”; có thông tin số điện thoại đường dây nóng trạm y tế; có thùng dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” để đựng trang phục phòng hộ cá nhân thải bỏ.
Quy trình cách ly, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà có 6 bước, gồm: Lập danh sách; đánh giá, thẩm định điều kiện; lập bệnh án điều trị F0 tại nhà; thực hiện điều trị F0 tại nhà; theo dõi, giám sát cách ly, điều trị tại nhà; kết thúc cách ly, điều trị tại nhà.
Ngay khi được thông báo về việc cách ly tại nhà, các thành viên trong nhà chuẩn bị các nội dung sau: Lưu lại các số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm; xác định và thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm; phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm (nếu cần); chuẩn bị vật dụng tối thiểu như khẩu trang y tế dùng 1 lần, găng tay y tế sạch, nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp; thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng để lót bên trong thùng…
Về quá trình thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, đối với F0 phải tự theo dõi sức khỏe, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không ra khỏi phòng cách ly, tầng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Nếu phòng tắm, nhà vệ sinh ở ngoài phòng cách ly phải cùng 1 tầng. Người thực hiện cách ly tại tầng này và không tiếp xúc tầng khác trong gia đình, được bố trí suất ăn riêng, luôn thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và khai báo y tế hàng ngày. Đặc biệt khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở... phải cập nhật ngay trên một trong các ứng dụng trên, hoặc liên hệ với người được giao nhiệm vụ theo dõi sức khỏe hàng ngày…
Tính đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện cách ly, điều trị 22 F0 tại nhà, trong đó 18 trường hợp không có triệu chứng, 3 trường hợp có triệu chứng nhẹ, 1 trường hợp chuyển tuyến. Trừ quận Thanh Khê, các quận huyện khác đều tổ chức thí điểm điều trị F0 tại nhà.
Đến ngày 14/12, Đà Nẵng đã tiêm 1.886.184 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 966.3 người và mũi 2 cho 919.501 người. Hiện có 292 khu vực phong tỏa trên toàn thành phố với 1.412 hộ (9.898 nhân khẩu); duy trì 18 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 465 người.
Từ ngày 16/10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 3.394 ca mắc COVID-19, trong đó có 150 ca ngoại tỉnh.
Hiện các bệnh biện trên địa bàn thành phố đang điều trị 1.860 bệnh nhân mắc COVID-19; trong đó, có 8 ca bệnh nặng, 62 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 21 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2.