Đội phản ứng nhanh gồm 13 y, bác sĩ do bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy làm trưởng đoàn đã tới Bắc Giang tối 26/5.
Qua nắm bắt tình hình bước đầu, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết đã ngay lập tức sẽ cùng các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy bắt tay vào công việc.
Cụ thể, ngay trong tối 26/5, sau khi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đại diện của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Sở Y tế Bắc Giang, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang để khảo sát tình hình thực tế và nắm bắt về nhân sự, trang thiết bị hay số lượng bệnh nhân, diễn tiến, nguy cơ có thể xảy ra. Nhờ vậy, đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy có thể tiếp quản đơn vị hồi sức (ICU) của Bệnh viện Phổi ngay trong 27/5 với mục tiêu đảm bảo bệnh nhân được điều trị nhanh nhất, mau phục hồi, hiệu quả nhất.
Đánh giá “điểm nóng” COVID-19 Bắc Giang, bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ: “Mặc dù Bắc Giang không có nhiều bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền như ổ dịch Đà Nẵng nhưng vì chủng virus lần này biến thể nên bệnh nhân nặng vẫn có.
Tuy nhiên, với tình trạng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bắc Giang mỗi lúc một tăng thì con số bệnh nhân nặng chắc chắn cũng sẽ gia tăng. Do đó về nhân sự, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cần phải tiếp tục bổ sung và cùng với lực lượng tại chỗ, làm sao giải quyết được “4 tại chỗ”.
Đặc biệt, hiện số lượng bệnh nhân vẫn còn gia tăng thì số lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, nên hiện tại dù chúng ta đang kiểm soát, khoanh vùng rất tốt nhưng vẫn phải dự trù tình huống xấu. Vì thế luôn luôn phải trong tư thế chủ động, đánh giá chính xác, tích cực hơn mới có thể kiểm soát được dịch Bắc Giang.”
Bác sĩ Trần Thanh Linh cũng cho biết, 13 nhân sự của Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy lần này ở đầy đủ các chuyên khoa có thể xử lý với các bệnh nhân nặng, nguy kịch cần kỹ thuật cao. Trong đó, ngoài 4 bác sĩ đã chinh chiến qua nhiều ổ dịch thì 7 thành viên còn lại đều còn trẻ và lần đầu tham gia vào tâm dịch.
Để được lựa chọn, các y, bác sĩ trong đoàn phải là người có thể xử lý, điều trị được bệnh nhân hồi sức như suy hô hấp, đặt nội khí quản, lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), kiểm soát bằng máy thở, sử dụng hệ thống siêu âm, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu…
Mặc dù lần này các điều dưỡng còn trẻ, chưa tham gia những đợt dịch trước nhưng đây là các điều dưỡng đã làm trong môi trường ICU nhiều năm, có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân nặng. Vì vậy, theo bác sĩ Trần Thanh Linh, lực lượng này đủ tầm để vừa chăm sóc bệnh nhân nặng COVID-19 vừa có thể tập huấn cho nguồn lực tại chỗ.
“Đối với chúng tôi - những người thầy thuốc, động lực lớn để có thể chiến đấu là tinh thần đoàn kết vì cuộc sống bình an. Chúng tôi quyết tâm mang lại sự bình yên để mọi người có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường”, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ như vậy tại Bắc Giang - điểm nóng dịch COVID-19.
Sự ủng hộ của hậu phương tiếp sức người bác sĩ 4 tháng không về nhà
Chia sẻ về sự ủng hộ của hậu phương khi từ đầu năm 2020 đến nay, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh gần như đi trường kỳ chống dịch, bác sĩ cho biết: “Có lẽ không riêng bản thân tôi, nhiều người khác như các đồng nghiệp của Bạch Mai của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đi như vậy. Đó có lẽ là nhờ chúng ta có những hậu phương vững chắc.
Tôi và nhiều anh em đồng nghiệp khác ở Bệnh viện Chợ Rẫy từng có bốn tháng gần như liên tiếp không về nhà. Đôi khi chúng tôi nghĩ tại sao mình lại làm được như vậy? Có lẽ là bởi chúng tôi có hậu phương vững chắc là những anh em đồng nghiệp luôn ở phía sau ủng hộ, luôn nhắn tin động viên. Gia đình vợ con luôn ủng hộ, gánh vác phần việc khi mình vắng nhà. Và đặc biệt, các cấp lãnh đạo cũng đến thăm hỏi, động viên, an ủi người thân để anh em yên tâm đi tuyến đầu chống dịch.”