Để hạn chế quá tải trong công tác điều trị và giảm thấp nhất số ca tử vong Sở Y tế đã hướng dẫn các cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện phân tuyến và điều trị bệnh nhân theo các mức độ phù hợp.
Theo đó, bệnh tay chân miệng chia thành các độ 1, 2a, 2b, 3, 4. Càng lên cao, mức độ bệnh càng nặng. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phân tuyến các trạm y tế xã, phường, phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa Nội, Nhi sẽ khám, điều trị ngoại trú những bệnh nhân tay chân miệng độ 1 (nhẹ nhất).
Các Trung tâm y tế huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai và các bệnh viện đa khoa tư nhân khám, điều trị cho bệnh nhân bị tay chân miệng độ 1 và độ 2a.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, các bệnh viện đa khoa khu vực, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, điều trị cho bệnh nhân tay chân miệng tất cả các độ. Đối với các bệnh có mức độ 3, 4, khi không có đủ điều kiện hồi sức tích cực thì các cơ sở y tế cần chuyển tuyến và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Ngoài ra, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân công Bệnh viện Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện điều trị tay chân miệng cho các bệnh viện khu vực phía Nam trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Sở Y tế Đồng Nai đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển tuyến người bệnh, ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, kết quả xét nghiệm, phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 3/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.600 ca mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị.Trong đó, số ca mắc tăng cao ở thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, nhiều trường hợp bệnh nặng phải lọc máu, thở máy. Dự báo số ca mắc bệnh tay chân miệng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, kéo theo nhiều ca bệnh nặng và nguy cơ xảy ra tử vong.