Dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, đỉnh dịch năm nay sẽ rơi vào tháng 10 - 11 với số người mắc không cao như những năm trước nhưng người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết, người dân cần đến cơ sở y tế để điều trị, tránh trường hợp lo ngại COVID-19 đưa vào bệnh viện quá muộn khiến bệnh có diễn tiến nguy hiểm.
Liên tục gia tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tuần, Thành phố ghi nhận 500 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tích lũy từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh có 11.404 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6.277 người phải nhập viện và 5.217 trường hợp điều trị ngoại trú.
So với cùng kỳ năm 2019, năm nay số ca mắc giảm sâu đến 71,8%; tuy nhiên, dịch bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 8, Thành phố ghi nhận 543 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với 4 tuần trước đó. Trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 40 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh ở 31 phường, xã thuộc 13/24 quận, huyện. Các địa phương có ổ dịch mới nhiều nhất trong tuần là huyện Củ Chi và Quận 12.
Đáng chú ý, Thành phố đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay. Đó là bệnh nhân nữ, 16 tuổi, ngụ tại Quận 7. Ngày 29/7, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Quận 4 điều trị. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến xấu và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, bệnh nhân tử vong vào ngày 8/8.
Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, đơn vị này đang điều trị nội trú cho 25 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó có một số ca bệnh nặng. Con số này đang có dấu hiệu tăng lên với khoảng 10% bệnh nhi có diễn tiến nặng như tụt huyết áp, đi ngoài ra máu...
Tại Khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi cả nội trú lẫn ngoại trú. Số bệnh nhân đang có xu hướng gia tăng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, trong thời gian qua có nhiều ca mắc sốt xuất huyết có biến chứng nặng. Do đó, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này.
Cẩn trọng với biến chứng của sốt xuất huyết
Gần một tháng nay, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận liên tiếp 5 trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp. Điển hình là bé trai T.G.H. (12 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng nặng đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống.
Trước đó, bệnh nhi T.G.H sốt cao liên tục 3 ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, kèm đau bụng nhiều nên được gia đình cho nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng do có nhiều yếu tố khiến bệnh diễn tiến nặng như sốc sớm, dư cân béo phì, tái nhiễm sốt xuất huyết (bệnh nhi từng mắc sốt xuất huyết cách đây 3 năm). Có thời điểm bệnh nhi suy hô hấp, tổn thương nhiều cơ quan.
Trường hợp khác, một nữ sinh viên 20 tuổi, ngụ tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng bệnh diễn tiến nặng khi chủ quan với sốt xuất huyết. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân này bị sốt cao liên tục 3 ngày nhưng chỉ đến tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc hạ sốt. “Con sốt mấy ngày nhưng cả nhà tôi nghĩ không có gì nghiêm trọng nên chỉ mua thuốc uống. Hơn nữa, dịch COVID-19 đang phức tạp, gia đình cũng ngại cho con đi bệnh viện”, mẹ bệnh nhân kể.
Tuy nhiên, sau 3 ngày không giảm sốt kèm thêm tình trạng cơ thể mệt mỏi không thuyên giảm, bệnh nhân đến Bệnh viện Quận 11 khám và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue.
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Quận 11 cho biết, bệnh nhân này nhập viện khi tiểu cầu giảm thấp, bị xuất huyết trong tình trạng máu cô đặc rất nhiều: “Rất may bệnh nhân này chưa vào sốc, huyết áp còn chấp nhận được, nếu để trễ thêm sẽ vô cùng nguy hiểm".
Bác sĩ Tuấn cảnh báo, người dân khi có bệnh nên đến cơ sở y tế, không nên mua thuốc tây tự điều trị tại nhà bởi hậu quả của biến chứng sốt xuất huyết là không lường trước được.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong,Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, đã xuất hiện một số trường hợp người mắc bệnh sốt xuất huyết không đến cơ sở y tế khám bệnh do e ngại dịch COVID-19. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi sốt xuất huyết biến chứng nặng có nguy cơ tử vong cao.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, những người không có bệnh nền, không mang thai hoặc không phải là trẻ em nhỏ tuổi, người lớn tuổi, người có cơ địa béo phì… bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà, tái khám mỗi ngày hoặc cách ngày để theo dõi diễn tiến của bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh cần lưu ý, sốt xuất huyết có thể trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát bệnh. Thông thường đến giai đoạn này người bệnh đã giảm sốt, thậm chí hết sốt nhưng đây lại là lúc có thể xuất hiện các biến chứng bất thường nguy hiểm. Trong trường hợp có nôn ói, chảy máu cam, xuất huyết, đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen, trẻ em tay chân lạnh... cần đến bệnh viện ngay lập tức.
“Người dân nên đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh bởi hiện nay tất cả cơ sở y tế đều được trang bị hệ thống khai báo y tế, sàng lọc. Khu vực khám bệnh có triệu chứng hô hấp được tách biệt riêng, hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm. Không chỉ bệnh sốt xuất huyết mà nhiều bệnh lý khác có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, bác sĩ Phong khuyến cáo.