Cùng với triển khai phương châm "4 tại chỗ", chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm, các địa phương tiếp tục duy trì, kiện toàn tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. Ngoài ra, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới từng gia đình, người dân về phòng, chống sốt xuất huyết…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 30/10/2022, trên địa bàn thành phố có 9.747 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, có 12 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã có dự báo từ sớm, từ xa về bệnh sốt xuất huyết, từ đó có những chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh.
Các địa phương căn cứ thực tế địa bàn để có phương án phòng, chống dịch phù hợp, đặc biệt lưu ý tại cơ sở chăn nuôi, công trình xây dựng, nhà hàng… Đối với những ổ dịch đang kéo dài, cần xác định rõ quy mô, áp dụng biện pháp quyết liệt như tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành để giải quyết dứt điểm ổ dịch.
"Các địa phương, đơn vị cùng vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết tương tự như phòng, chống COVID-19. Các trường học có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết trong trường học", Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị.