Theo đánh giá, đợt dịch lần này với ổ dịch là thành phố Đà Nẵng và tâm dịch lớn nhất tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong bệnh viện ra cộng đồng. Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát được phát hiện ở Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác, là các trường hợp đi tham quan, du lịch, làm việc tại Đà Nẵng.
Nhận định về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. “Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt. Tuy nhiên qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành Y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh; việc truy vết, điều trị bệnh nhân nặng và các khuyến cáo đến với người dân tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Đà Nẵng vẫn phải được thực hiện một cách quyết liệt”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Hà Nội là địa phương có số người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7/2020 đến nay là gần 100.000 người, trong số đó nhiều người di chuyển qua các địa điểm của Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm cao nên khả năng phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại Hà Nội là rất cao. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho trên 70.000 người trở về từ Đà Nẵng nhưng không phát hiện ra trường hợp nào mắc COVID-19.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, test nhanh không có giá trị phát hiện người mắc COVID-19, vì vậy mọi người không nên “thở phào nhẹ nhõm” khi nhận kết quả âm tính từ test nhanh. Bằng chứng là người đàn ông 42 tuổi ở Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhân viên điều hành xe buýt có kết quả âm tính khi test nhanh, nhưng khi xét nghiệm bằng Real-time PCR đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và “ghi danh” bệnh nhân số 714.
Không biết sẽ có bao nhiêu người trong số gần 100.000 người trở về Hà Nội từ Đà Nẵng sẽ thực sự yên tâm vì may mắn an toàn trước SARS-CoV-2, nhưng với tốc độ lây lan của chủng virus lần này, theo đánh giá của ngành y tế là nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần, nỗi lo Hà Nội sẽ phải oằn mình gánh chịu cơn lũ COVID-19 là rất lớn.
Chính vì vậy, ngay khi xác định test nhanh không có giá trị phát hiện người mắc COVID-19, UBND thành phố đã yêu cầu ngành Y tế sớm triển khai xét nghiệm Real-time PCR cho tất cả những trường hợp từ Đà Nẵng trở về, nhằm phát hiện các ca bệnh một cách chính xác và kịp thời, tránh bỏ sót ca bệnh tại cộng đồng.
Theo dự kiến bắt đầu từ ngày 7/8, Hà Nội sẽ tiến hành lấy mẫu cho tất cả những trường hợp từ Đà Nẵng trở về để làm xét nghiệm PCR. Cùng với việc triển khai xét nghiệm PCR trên diện rộng cho đối tượng từ Đà Nẵng về, Hà Nội đẩy nhanh việc rà soát các đối tượng F1, F2 của các ca mắc mới, trong đó đối tượng F1 được lấy mẫu xét nghiệm PCR, đưa đi cách ly; đối tượng F2 cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Trước tình trạng người dân vẫn còn chủ quan dù dịch COVID-19 đang như những con sóng ngầm chỉ chực ào lên dữ dội, các chuyên gia y tế khuyến cáo, bên cạnh những nỗ lực của Đảng, Chính phủ, ngành Y tế và cả hệ thống chính trị, mỗi người dân phải nêu cao ý thức tự giác, phải trung thực và kịp thời khai báo nếu đi về từ vùng dịch. Nếu thấy nghi ngờ phải đến ngay các cơ sở y tế đã được phân công để kiểm tra; đồng thời thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành Y tế về đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện “giãn cách xã hội”, không tụ tập đông người… Đây là những việc rất dễ làm, tốn kém ít nhưng hiệu quả rất cao. Hiệu quả dập dịch tốt hay không phụ thuộc trước hết vào người dân, vào cộng đồng.