Trong nghiên cứu thứ nhất, mạng lưới Giám sát bệnh nhi tăng cường (PAEDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát tiêm chủng quốc gia (NCIRS) đã tiến hành xét nghiệm 2 loại kháng thể trong mẫu máu của trẻ em từ 0-19 tuổi, được thu thập trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8. Loại đầu tiên là kháng thể chống lại protein nucleocapsid của virus SARS-CoV-2, thể hiện việc từng nhiễm virus này, trong khi loại còn lại là kháng thể chống protein gai, thể hiện việc từng lây nhiễm hoặc tiêm phòng COVID-19 trước đó. Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 79% trẻ em chưa tiêm phòng COVID-19 trong độ tuổi từ 1 - 4 đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi 67% trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11, trong đó phần lớn đã tiêm phòng, đều đã từng mắc bệnh. Trong số những em từ 12 - 19 tuổi, tỷ lệ từng nhiễm virus chiếm khoảng 70%.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Archana Koirala tại NCIRS nhận định nghiên cứu cho thấy ít nhất 2/3 trẻ em Australia đã mắc COVID-19. Con số này cao gấp đôi so với số ca ghi nhận dựa trên xét nghiệm dịch mũi và dịch họng. Theo chuyên gia, đây không phải điều bất ngờ bởi có nhiều trẻ em mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên không xét nghiệm virus.
Trong khi đó, Viện Kirby và Đai học New South Wales (UNSW) và NCIRS tiến hành nghiên cứu khác đối với 5.005 mẫu xét nghiệm nhận được trong giai đoạn từ ngày 23/8 - 2/9 vừa qua. Kết quả cho thấy ít nhất 65% người trưởng thành có các kháng thể chứng tỏ họ từng mắc bệnh, tăng khoảng 20% so với cuộc nghiên cứu trước đó cách đây 3 tháng.
Theo Giáo sư John Kaldor của Viện Kirby, những dữ liệu này giúp đánh giá quy mô làn sóng lây nhiễm biến thể phụ BA.4/5 của Omicron trong những tháng mùa Đông tại Australia. Ông nhấn mạnh những cuộc nghiên cứu này tiếp tục cung cấp thông tin quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2, tác động của tiêm phòng và việc lây nhiễm đối với nồng độ kháng thể trong dân số.