Các tổn thương da ban đầu bằng phẳng, sau đó nổi nốt có dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 21 ngày, các triệu chứng thường 2 - 3 tuần và tự biến mất.
Khác với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua dịch tiết ra từ vết thương và giọt bắn. Người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người mắc bệnh khi mặt đối mặt, da kề da, miệng kề miệng hoặc miệng kề da, kể cả quan hệ tình dục.
"Khi người bệnh có vết thương hở, sờ vào đồ vật, khi người khác sờ đúng vị trí đó cũng có thể bị lây nhiễm. Theo nghiên cứu, bệnh này lan truyền nhiều nhất ở giới đồng tính nam do có quan hệ đồng tính, do những mụn nước này xuất hiện nhiều ở vùng kín, hậu môn", ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, trên thế giới đã phát hiện 16.000 ca nhiễm tại 75 quốc gia. Hiện có 5 người tử vong. Vừa qua, khi theo dõi sự lây lan đột biến của dịch này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Dù Việt Nam chưa có ca nhiễm nhưng Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có những động thái để phòng bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Y tế cho người nhập cảnh khai báo dịch tễ và các triệu chứng liên quan đến đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu. Người nhập cảnh được đo nhiệt độ, nếu có tiếp xúc với người nhiễm bệnh, xuất hiện triệu chứng được khuyến cáo đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm. Nếu chỉ là ca nghi ngờ tự theo dõi tại nhà.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, hiện chưa có quy định cách ly người có dấu hiệu mắc bệnh nhưng theo khuyến cáo của WHO, người bệnh nên tự cách ly tại nhà 21 ngày. Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) cũng khuyến cáo, người dân có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để được xét nghiệm, điều trị.