Kiểm soát F0 ngay từ đầu để khống chế số bệnh nhân nặng

Với đặc thù sinh sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là không gian nhà ở tại các đô thị lớn thường rất chật hẹp, không đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng, chống dịch nên việc cách ly F1 tại nhà cần những điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, khi thực hiện cách ly tại nhà, người thực hiện cách ly cần nêu cao ý thức tự giác, tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, khi đó cách ly tại nhà mới mang lại hiệu quả. 

Vì vậy, đến thời điểm này, Việt Nam mới đang bước đầu thực hiện thí điểm việc thực hiện cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, vì những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện cách ly tại nhà có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng nếu F1 chuyển thành F0 mà không thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Cơ sở cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: TTXVN

Bước đầu thí điểm cách ly F1 tại nhà

Trước thực tế các ca mắc tại một số địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh đang tăng nhanh, số lượng F1 nhiều, gây áp lực lớn đối với các khu cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm chéo cao, một số địa phương đã được Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đây là biện pháp được cho là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và kéo dài như hiện nay nhằm hạn chế những bất cập, rủi ro làm dịch bệnh lây lan.

Tại cuộc làm việc mới đây với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch, trước thực tế ghi nhận nhiều ca mắc trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần xem lại mật độ giãn cách tại đây và phải giãn tối đa mật độ để đảm bảo phòng, chống dịch. “Hiện, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, thành phố cần tính đến phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà”.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 12/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với việc xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19, nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương khi triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà phải thực hiện trên tinh thần triển khai an toàn…

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, việc cách ly F1 tại nhà được coi là “bước tiến” trong công tác phòng, chống dịch nhưng cần tiếp tục xem xét việc điều chỉnh tiêu chí, điều kiện, quy định hiện nay. 

Phát hiện sớm F0 để cách ly, điều trị

Tại TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm này đã ghi nhận trên 16.000 ca bệnh, trong tổng số gần 32.000 của cả nước. Lo lắng trước áp lực số lượng F0 gia tăng quá tải hệ thống tế địa phương, một số chuyên gia đề xuất cách ly F0 không có triệu chứng, biểu hiện rất nhẹ tại nhà để hệ thống y tế tập trung điều trị các ca F0 có triệu chứng nặng, hoặc có nguy cơ chuyển nặng cao…

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, biến chủng Delta có diễn biến hết sức phức tạp, trong vòng một ngày, người không có triệu chứng có thể đã chuyển sang diễn biến nguy hiểm hơn.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch cho kịch bản tiếp nhận 50.000 ca bệnh. Đến nay, 36.500 giường đã sẵn sàng. Bên cạnh đó, 1.000 giường hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch cũng đã được chuẩn bị.

Vì vậy, dù cách ly, điều trị F0 tại nhà là cách làm được nhiều nước áp dụng nhưng chúng ta vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để cách ly và điều trị.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân khi mới mắc COVID-19 có thể xuất hiện các triệu chứng khởi phát hoặc không, sau đó đa số qua 7 ngày sẽ sang giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ca khi khởi phát không có triệu chứng gì đáng kể, qua 7-8 ngày lại diễn biến thành rất nặng, thậm chí tử vong. Do vậy, tại thời điểm mới phát hiện dương tính, không thể biết trước ca nào sẽ diễn tiến nặng hay nhẹ. Chỉ qua ngày thứ 8-9 mới xác định được ai là bệnh nhân nặng, ai là người nhẹ.Tuy nhiên, điều khó khăn là nhiều ca bệnh khởi phát không triệu chứng nên không biết ngày nào là ngày thứ 7-8 của bệnh.

Việc kiểm soát F0 ngay từ đầu, từ khi dịch xảy ra tại nước ta đã góp phần khống chế được số bệnh nhân nặng không vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống hồi sức. Do vậy, Việt Nam có tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong khá thấp so với nhiều nước trên thế giới.

“Do đó, cần coi những ca mới phát hiện dương tính trong tuần đầu tiên là nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, theo dõi sát và sàng lọc dấu hiệu nặng, đặc biệt chú trọng thời điểm ngày thứ 7-8. Còn những người sau ngày thứ 8 vẫn không diễn biến xấu có thể coi là ca bệnh nhẹ, không cần điều trị gì thêm và đưa ra cách ly chờ hồi phục”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Tại các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch mới đây với các địa phương, lãnh đạo Chính phủ đã luôn yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát sao các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, không để các ca này có dấu hiệu nặng lên nhằm hạn chế số ca tử vong.

“Trong công tác điều trị, bên cạnh việc hạn chế số ca tử vong, các lực lượng y tế phải theo dõi sát sao các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng, đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không để các ca này có dấu hiệu nặng lên”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Bích Thủy (TTXVN)
Vụ việc  'thí sinh F0 trong điểm thi', 'lọt đề Toán' ... làm 'nóng' họp báo về thi tốt nghiệp THPT
Vụ việc  'thí sinh F0 trong điểm thi', 'lọt đề Toán' ... làm 'nóng' họp báo về thi tốt nghiệp THPT

Chiều 8/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Những vấn đề như lọt đề thi Toán, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch COVID-19 khi có thí sinh F0, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2… đã được đưa ra chất vấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN