Trước đó, tỉnh Kon Tum đã cách ly và gửi hàng chục mẫu xét nghiệm đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; đồng thời gấp rút triển khai các biện pháp khoanh vùng và xử lý triệt để các ổ dịch.
Hai trong số bốn ca bạch hầu mới được phát hiện là người xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, trong đó một phụ nữ mang thai. Hiện, cả hai ca bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện với tình trạng sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng sốt, khó thở, đau ngực. Ngoài ra, một bệnh nhân có các triệu chứng tương tự bệnh bạch hầu đang được cách ly, theo dõi và gửi mẫu đi xét nghiệm.
Theo bác sĩ Võ Văn Hùng, cán bộ phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật và Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô), trong 3 năm liên tiếp từ 2018 đến nay, huyện Đăk Tô liên tục ghi nhận các ca bệnh bạch hầu. Đặc biệt, năm 2018 có một trường hợp tử vong. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát triệt để.
Bác sĩ Võ Văn Hùng cho rằng nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên là do trước đây các bện nhân chưa được tiêm chủng hoặc đã tiêm chủng nhưng đã quá lâu. Trong khi đó, những người mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh thì không có biểu hiện bên ngoài nên rất khó xác định, trừ khi được khám và xét nghiệm đồng loạt.
Những trường hợp không phát bệnh này vẫn sinh sống và làm việc bình thường nên có khả năng cao lây lan ra cộng đồng. Để chấm dứt tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức phòng chống bệnh bạch hầu thì ngành y tế huyện Đăk Tô cũng cần tiêm vắc xin Td ở diện rộng trên địa bàn huyện.
“Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế và UBND tỉnh, huyện, Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cũng lập danh sách cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh, cho uống thuốc dự phòng, cách ly tại nhà; vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn tại địa phương có dịch; rà soát những người chưa được tiêm vắc xin đủ 3 mũi DPT-VGB-Hib để tiêm bổ sung. Đồng thời, trung tâm sẽ triển khai chiến dịch tiêm trên địa bàn có ca bệnh, hiện đã đạt trên 95% và đang tiếp tục tiêm cho những người còn sót”, bác sĩ Võ Văn Hùng cho biết thêm.
Trong khi đó, tại huyện Sa Thầy đã xuất hiện 2 ca bệnh mới (xã Ya Xiêr), 8 trường hợp khác có liên quan đang được cách ly, theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy và mẫu đi xét nghiệm đã được gửi đi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, cho biết, hiện nay, sức khỏe của hai trường hợp dương tính đã ổn định, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh vẫn có tình trạng sức khỏe bình thường. Tại ổ dịch này, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều sống ở xung quanh nhà người bệnh nên khả năng lan rộng ra cộng đồng không cao.
“Khi xuất hiện ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy đã khẩn trương khoanh vùng, điều tra y tế với những người tiếp xúc gần. Đồng thời, trung tâm đã khử khuẩn môi trường, cắt cử lực lượng giám sát, tổ chức cho người dân uống thuốc dự phòng hàng ngày”, bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, UBND huyện Sa Thầy và xã Ya Xiêr đã chủ động lập các chốt kiểm dịch tại hai điểm đầu và cuối của các làng Trang, làng O (nơi có các ca dương tính và nghi ngờ mắc bệnh) để phun hóa chất khử khuẩn đối với người và phương tiện qua lại, ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Ông Dương Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, cho biết, huyện đã phân công trực tiếp lãnh đạo địa phương vào làng O, cùng với chính quyền xã Ya Xiêr triển khai, phân công cán bộ xuống hiện trường, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời, lực lượng chức năng nhanh chóng xác định những người tiếp xúc gần với người dương tính để cách ly, khám sàng lọc và lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các bước tiếp theo.
Cũng theo ông Phục, để công tác phòng, chống dịch bạch hầu đạt hiệu quả, từ ngày 2/7, các trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn xã Ya Xiêr đã cho học sinh nghỉ học.
Bác sĩ Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, đa số các trường hợp dương tính với bạch hầu từ đầu năm 2020 đến nay đều lớn tuổi hoặc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vào thời điểm đó Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang ở giai đoạn đầu xóa xã trắng về tiêm chủng nên chưa được triển khai đầy đủ. Khi đã qua thời gian miễn dịch bạch hầu do tiêm chủng (khoảng 10 năm), người dân sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh cao. Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh không đảm bảo cũng như khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế còn hạn chế cũng khiến một số đối tượng dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh, lây lan ra cộng đồng.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Kon Tum, các ổ dịch trong những năm gần đây đều được kiểm soát tích cực, khống chế kịp thời và hiệu quả. Số người mắc bệnh trong mỗi ổ dịch không nhiều, chỉ rải rác một đến hai ca. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu vẫn còn xuất hiện qua các năm là do nguồn lực hạn chế nên công tác tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib phòng chống bệnh chưa được rộng rãi, chủ yếu tập trung ở các ổ dịch, còn người dân ở một số vùng có nguy cơ thì chưa được tiêm phòng. Bên cạnh đó, trong cộng đồng còn người mang mầm bệnh mà chưa được phát hiện nên dịch bệnh vẫn xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
“Lũy kế đến ngày 30/6, tỉnh Kon Tum có 10 ổ dịch bạch hầu, nhưng hiện nay còn 5 ổ dịch đang hoạt động. Ngành chức năng sẽ giám sát chặt chẽ các ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh mới để cách ly, điều trị, khoanh vùng và khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng. Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh tiêm chủng, đảm bảo tiêm vắc-xin DPT4 cho trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi; tăng cường truyền thông phòng chống dịch bạch hầu cho cộng đồng. Giải pháp căn bản, hiệu quả nhất là triển khai tiêm vắc-xin Td cho đối tượng từ 7 tuổi trở lên để tạo miễn dịch trong cộng đồng”, bác sĩ Võ Văn Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cũng cho biết, hiện nay, việc triển khai tiêm vắc xin Td tại khu vực các ổ dịch và tiêm diện rộng cho các xã có nguy cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, bởi đây không phải là vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, ngành y tế tỉnh Kon Tum đề nghị Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ vắc-xin Td. Đồng thời, ngành y tế đề nghị UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí để triển khai tiêm vắc xin Td diện rộng tại các xã có nguy cơ.