Ca nhiễm mới này là P.T.N., sinh năm 1990, làm nghề bán hàng ăn tại nhà hàng Tuân Thỏ, có địa chỉ tại khu Gia Binh, chợ Hóp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách. Từ ngày 12 đến ngày 25/7, P.T.N.chỉ ở quán bán hàng, không đi đâu xa, không ra ngoài tỉnh, không tiếp xúc với người trở về từ vùng dịch. Đến ngày 26/7, N. có biểu hiện sốt, không ho, không khó thở và đến khám sáng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách. Đến chiều 27/7, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho thấy N. dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện các cơ quan chức năng huyện Nam Sách đang khẩn trương truy vết và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần; khẩn trương thực hiện phong tỏa, cách ly y tế và phun khử khuẩn nơi P.T.N sinh sống và bán hàng.
* Tỉnh Ninh Bình đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, gần như tất cả các loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí, du lịch... đều đã bị tạm dừng. Tại văn bản số 444/UBND-VP6, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu, từ 12 giờ ngày 27/7 tạm dừng phục vụ tại chỗ các nhà hàng, hàng quán ăn uống, giải khát, quán bia, chỉ được phép bán hàng mang về; dừng các dịch vụ: cắt tóc, gội đầu; dừng hoạt động các sân Golf trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh thực hiện nghiêm một số nội dung: siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tăng cường kiểm soát chặt chẽ người vào tỉnh trên tất cả các phương tiện giao thông từ các địa phương bị phong tỏa, có ca nhiễm SARS-CoV-2 tại các chốt liên ngành kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, ngày 27/7, tỉnh vừa ghi nhận 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đều là người trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh trên một ô tô riêng. Các trường hợp này đang được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư.
* Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có công điện về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và hỗ trợ công tác vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai các biện pháp cấp bách đáp ứng dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Riêng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ đang được phép hoạt động phải tạm dừng từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau. Trong khoảng thời gian này, người dân chỉ được ra khỏi nhà để giải quyết công việc thật sự thiết yếu; đồng thời, tạm dừng các hoạt động tập luyện thể dục, thể thao tại các quảng trường, công viên, vườn hoa... Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 27/7 cho đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần tăng cường kiểm soát địa bàn, trực tiếp kiểm tra việc tổ chức thực hiện các yêu cầu nêu trên; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, cơ sở vi phạm và rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, thành phố Kon Tum và các huyện la H'Drai, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông khẩn trương triển khai, củng cố lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 để siết chặt kiểm soát tuyến đường phụ, đường mòn, lối mở... nhằm ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ cao vào địa bàn tỉnh.
*Theo báo cáo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, trong 24 giờ qua (từ 17 giờ ngày 26 đến 17 giờ ngày 27/7), toàn tỉnh đã ghi nhận thêm 279 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, đây cũng là số ca mắc cao kỷ lục trong vòng một ngày từ trước đến nay, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của Khánh Hòa ở thời điểm này lên 1.521 ca.
Phần lớn số ca dương tính ghi nhận trong thời điểm nói trên tập trung tại thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang, trong đó có ít nhất 30 trường hợp dương tính trong cộng đồng được phát hiện. Đây cũng là hai địa phương đang có nhiều ca mắc COVID-19 nhất hiện nay, riêng thị xã Ninh Hòa đã có 1.002 trường hợp.
Ngoài các bệnh viện dã chiến đã đưa vào sử dụng, ngày 27/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai thiết lập bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 tại Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, ký túc xá Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa. Đồng thời, cơ quan này cầm sớm nghiên cứu, chủ động xây dựng phương án nâng cao, sẵn sàng năng lực thu dung, điều trị của các bệnh viện dã chiến lên quy mô 3.000 giường, định hướng 4.000 giường; trong đó, xem xét tập trung chuyển Ký túc xá Sinh viên Nha Trang (đường Nguyễn Khuyến, phường Vĩnh Hải), Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang (xã Vĩnh Ngọc) thành bệnh viện dã chiến.
Cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo thành phố Nha Trang tiến hành phong tỏa xã Vĩnh Lương kể từ 0 giờ ngày 28/7, sau khi địa phương này đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, qua đó triển khai quyết liệt các biện pháp không chế dịch tại khu vực này, tuyệt đối không để lây lan sang các khu vực, địa bàn khác.
*Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) có ca mắc COVID-19 cao nhất tỉnh Khánh Hòa trong đợt bùng dịch đợt 4 trên toàn quốc.
Từ khi có ca mắc đầu tiên vào tối 3/7 đến trưa 27/7, toàn thị xã Ninh Hòa có 25 trong số 27 xã, phường có người mắc với 973 bệnh nhân COVID-19.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Khánh Hòa Huỳnh Văn Dõng cho biết, đến nay, việc lấy mẫu cộng đồng trên địa bàn thị xã đã thực hiện xong và cơ bản xác định được đỉnh dịch, nguồn lây. Do đó, thời gian tới, số ca mắc trong cộng đồng của Ninh Hòa sẽ giảm và tiến về không có ca mắc. Trong khoảng thời gian này, thị xã tiến hành tầm soát cộng đồng đợt 2. Hy vọng sau khi kết thúc đợt 2 sẽ “chặt đứt” nguồn lây.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa Nguyễn Thị Hồng Hải, ngay khi có ca F0, Ninh Hòa đã chủ động khoanh vùng, khử khuẩn, thần tốc truy vết F1, F2, lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung; tiến hành phong tỏa các xã, phường có 10 trường hợp dương tính trở lên và các xã phía khu vực sát biển nguy cơ cao.
Thị xã thành lập trên 200 Tổ COVID-19 cộng đồng và tổ truy vết; 4 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại cửa ngõ ra, vào thị xã.
Cùng với các hoạt động tập trung dập dịch là giải pháp về duy trì, phát triển kinh tế và hoạt động chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Bà Đoàn Thị Lực, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Ninh Hòa cho hay, dịch COVID-19 đã khiến cho địa phương chịu nhiều thiệt hại. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau các chị em Hội Phụ nữ cơ sở đã chủ động thực hiện các chương trình thiện nguyện, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ giúp đỡ những người dân khó khăn, người yếu thế có đủ lương thực, thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.
Không những thế, các chị em phụ nữ của thị xã cũng đóng vai trò xung kích trong việc hỗ trợ cơm nước cho các khu cách ly, đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ và nhất là tiếp nhận và phân phối các nguồn lương thực, thực phẩm đến các hộ dân trong khu vực phong tỏa y tế, khu cách ly tập trung trường hợp F1.
*Ngày 27/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu, tất cả các đơn vị, địa phương cần dồn mọi nguồn lực để chủ động ứng phó với dịch COVID-19, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Chủ tịch Lê Trung Chinh cũng yêu cầu, các đơn vị, địa phương kiên quyết xử lý những trường hợp không đeo khẩu trang, tập trung đông người, không giữ khoảng cách; kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, trường hợp nào không đúng quy định thì buộc phải dừng hoạt động; nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm; chủ động trong việc thiết lập các khu vực cách ly y tế.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh giao Sở Công thương thành phố tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn thành phố; đồng thời nghiên cứu phương án giảm 50% tiểu thương đang buôn bán tại các chợ, thực hiện buôn bán luân phiên, tránh tình trạng đóng cửa chợ khi có ca mắc COVID-19.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 26/7 đến 13 giờ ngày 27/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 26 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, đáng lưu ý xuất hiện chuỗi lây nhiễm mới và 1 ca không rõ nguồn lây. Liên quan đến chuỗi lây nhiễm lò mổ Đà Sơn có 34 ca và Cảng cá Thọ Quang có 50 ca.
Như vậy, tính từ ngày 10/7 đến 14 giờ 30 ngày 27/7, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 464 ca mắc COVID-19.