Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, từ khi đợt dịch thứ 4 (27/4/2021) bùng phát đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 52.000 ca mắc COVID-19. Đặc biệt, từ tháng 12/2021 đến giữa tháng 1/2022, số ca mắc mới tăng liên cao liên tục, bình quân mỗi ngày hơn 500 ca. Cá biệt có những thời điểm ghi nhận 1.000 ca mắc mới/ngày. Số ca bệnh tăng nhanh cùng với việc triển khai điều trị F0 tại nhà đã gây áp lực lên đội ngũ y tế cơ sở. Nhiều nhân viên y tế hoạt động “hết công suất” để thực hiện các nhiệm vụ.
Xác định vai trò y tế tuyến cơ sở có ý nghĩa quyết định trong việc điều trị F0 tại nhà, tỉnh Vĩnh Long đang tăng cường các giải pháp nhằm động viên, hỗ trợ, giúp lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện tốt vai trò là cánh tay nối dài của y tế đối với người dân.
Y tế cơ sở nỗ lực vượt khó
Những ngày qua, lực lượng y tế cơ sở gần như “chạy đua” với công việc khi phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc điều trị hiệu quả, đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân.
Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi có điện thoại cần đến nhà hỗ trợ là các nhân viên Trạm Y tế xã Phú Đức, huyện Long Hồ lại nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. Một nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, truy vết, quản lý, điều trị F0… Công việc nhiều, áp lực liên tục, lại luôn đối mặt với nguy cơ lây bệnh cao, tuy nhiên với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, các nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của y tế lưu động chính là đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để quyết định điều trị tại nhà hay điều trị tập trung. Tuy nhiên, một số trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền không chịu điều trị tập trung, nhân viên y tế phải đến tận nhà tư vấn, giải thích nhiều lần, tạo điều kiện để người nhà theo chăm sóc thì mới được sự đồng thuận.
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Phú Đức, huyện Long Hồ Mai Thị Ngọc Phượng chia sẻ: "Áp lực của y tế cơ sở là rất lớn vì số lượng F0 và F1 tại nhà rất nhiều, nên thường làm hết việc chứ không hết giờ. Đôi lúc gặp những trường hợp gian nan lắm, mình nói hết lời nhưng gia đình không chịu đi. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân thì cũng phải chị khó tới lui thường xuyên động viên để họ đồng thuận. Bởi lẽ, khi bệnh chuyển nặng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm".
Trưởng Trạm Y tế xã Phú Đức, huyện Long Hồ Huỳnh Thị Nguyền tâm sự: “Nhận được điện thoại của người nhà hoặc người bệnh đang cần cấp cứu thì lập tức trạm y tế lưu động phối hợp với các lực lượng đem bình oxy tới để cung cấp ngay, đánh giá tình hình, từ đó có phương án điều trị, cấp cứu kịp thời. Có một số trường hợp khó khăn về đường sá, ban đêm rất vất vả, nhưng để giám tải tình trạng biến chứng nặng thì các anh em cũng cố gắng vận chuyển người bệnh thật an toàn về tuyến trên để xử trí cấp cứu tiếp theo”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ Võ Trung Sơn cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, lực lượng y tế cơ sở tại địa phương rất vất vả. Cả 15 trạm y tế đều thiếu nhân lực so với biên chế và nhu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo của huyện đã phối hợp với Sở Y tế để bổ sung nhân lực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng tức thì, do đó huyện huy động các ban ngành đoàn thể, tình nguyện viên cùng tham gia để “chia lửa” cùng với các trạm y tế.
Tại thành phố Vĩnh Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Long Nguyễn Thanh Hà cho biết, trong 3 tuần đầu khi thực hiện điều trị F0 tại nhà cũng là thời điểm số ca mắc mới tăng liên tục trên địa bàn nên dẫn đến tình trạng quá tải đối với lực lượng y tế tuyến cơ sở. Có trạm y tế phải gánh 500-800 F0, đồng thời các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng còn hạn chế.
Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân thành phố Vĩnh Long đã huy động thêm các lực lượng từ đoàn thể, y tế học đường để tăng cường thêm 5 trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ, tăng nhân lực ở mỗi trạm lên từ 8-10 người. Ngoài ra, địa phương cũng xem xét các chế độ chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ, thường xuyên vận động các nguồn để đến thăm hỗ trợ trang thiết bị và các điều kiện để y tế cơ sở yên tâm làm việc. “Sự nỗ lực của lực lượng y tế ở địa phương là rất lớn, họ hoạt động gấp nhiều lần sức lực của mình. Nhiều nhân viên y tế đã ngã bệnh, mắc COVID-19. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công việc và nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều người vẫn bám trụ để làm tròn nhiệm vụ. Chính vì thế, rất cần sự chung tay của người dân, có y thức hơn trong phòng, chống dịch và điều trị tại nhà để giảm bớt gánh nặng của y tế cơ sở”- ông Nguyễn Thanh Hà nói.
Tăng cường năng lực điều trị F0 tại nhà
Kết quả điều trị F0 tại nhà tại tỉnh Vĩnh Long đã có khoảng 70% trường hợp khỏi bệnh, số ca tử vong cũng giảm. Với mục tiêu giảm tình trạng chuyển nặng, giảm tử vong và hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đang tăng cường giám sát và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để y tế cơ sở làm nhiệm vụ, yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác phân tầng bệnh nhân, nhận định đúng tình trạng sức khỏe để thực hiện biện pháp điều trị phù hợp.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, ngành Y tế tỉnh đã tập trung đào tạo nhân viên y tế cơ sở các kiến thức cần thiết để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Qua đó, giúp lực lượng y tế có đủ năng lực để nhận định, tiên lượng đúng tình trạng bệnh nhân, có kỹ năng phát hiện trường hợp bất thường và xử lý kịp thời, sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ hô hấp phù hợp cho người bệnh...
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng cho biết, tỉnh cũng huy động các lực lượng ban ngành, đoàn thể cùng tích cực tham gia hỗ trợ y tế trong việc truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhân biết về tình trạng sức khỏe của mình, thực hiện nghiêm các quy định về điều trị tại nhà. Tỉnh đã thành lập “Đội chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà” trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ thông qua kết nối ứng dụng phần mềm hỗ trợ khám bệnh từ xa, từ đó hỗ trợ các trạm y tế lưu động trong công tác điều trị F0 tại nhà, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn và cấp thuốc điều trị.
Song song đó, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của các trạm y tế lưu động trên địa bàn, qua đó tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở để phục vụ lâu dài cho công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy có những giai đoạn số lượng F0 trên địa bàn tăng mạnh, gây quá tải cho lực lượng y tế cơ sở. Nhiều trạm y tế lưu động phải chăm sóc gần 500 F0 đã dẫn đến việc người dân chưa thể tiếp cận ngay với nhân viên y tế khi có biểu hiện bệnh, công tác công tác quản lý giám sát ở một số địa bàn chưa được sâu xát, dẫn đến lây nhiễm chéo trong gia đình. Tỉnh đã yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tăng cường lực hỗ trợ các trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi trạm chăm sóc tối đa 100 F0. Song song đó, tỉnh yêu cầu ngành y tế thành lập các kết nối thầy thuốc cộng đồng, bác sỹ cộng đồng thông qua các trang mạng xã hội và công khai rộng rãi để người dân có thể tiếp cận, được tư vấn và hướng dẫn được kịp thời hơn.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành y tế rà soát lại tất cả các điều kiện để đảm bảo hoạt động của trạm y tế lưu động như: Trang thiết bị bảo hộ, bình oxy, … Về lâu dài, tỉnh Vĩnh Long đang yêu cầu các ngành tham mưu để tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách động viên cho lực lượng y tế ở tuyến cơ sở, rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh cho người dân ở tuyến cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, trước tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp trong khi nguồn nhân lực y tế có hạn chế, để công tác điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận và ý thức từ người dân. Mỗi người dân chung tay theo dõi tình hình sức khỏe, hiểu được bản thân phải làm gì trong thời gian điều trị bệnh tại nhà, qua đó có thể chủ động liên hệ với lực lượng y tế để được hỗ trợ khi thật sự cần thiết, hạn chế tình trạng bệnh chuyển nặng hoặc tử vong.