Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, trong tuần gần đây (10 - 16/1), số ca mắc mới và nhập viện điều trị giảm khoảng 60% so với tuần trước đó. Số bệnh nhân nhẹ và trung bình chiếm khoảng 95%. Số bệnh nhân nặng khoảng 3,5%. Số bệnh nhân rất nặng khoảng 1,0%. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19 trong tuần gần đây khoảng 1,6% (tương đương tuần liền kề trước đó). Hầu hết các trường hợp tử vong đều có bệnh nền và ở Trung tâm Hồi sức COVID-19.
Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp điều trị như: Thành lập Trung tâm Hồi sức COVID-19, các bệnh viện dã chiến; tổ chức phân tầng điều trị (theo mô hình 4 tầng, sau đó điều chỉnh lại thành 3 tầng) với sự hỗ trợ chuyên môn giữa các tầng và hỗ trợ của lực lượng tăng cường tư vấn, hội chẩn từ tầng trên xuống tầng dưới. Các bệnh viện và các trung tâm y tế đã được trang bị hệ thống oxy y tế, nhất là hệ thống oxy lỏng. Công năng điều trị tại các bệnh viện và trung tâm y tế đã được chuyển đổi theo hướng bố trí điều trị "bệnh viện tách đôi", vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị bệnh nhân COVID-19. Các cơ sở y tế công lập và tư nhân được huy động tham gia, phối hợp chặt chẽ của để tăng cường tối đa khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân.
Về tình hình F0 điều trị tại nhà, tính đến hết ngày 16/1, Tiền Giang có tổng cộng có 10.082 ca F0 điều trị tại nhà; đang điều trị 5.125 ca F0, chiếm 50,83%; điều trị khỏi 4.176 ca, chiếm 41,42%. Huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho có số F0 đang điều trị nhiều nhất, ít nhất là huyện Cai Lậy, Gò Công Tây và Cái Bè, riêng Tân Phước không có ca F0 điều trị tại nhà.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười chỉ đạo các địa phương trong tỉnh phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân khai báo với cơ sở y tế khi bản thân tự test nhanh có kết quả dương tính hoặc phát hiện ca nghi mắc COVID-19. Các địa phương củng cố hoạt động tại các trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở; tổ chức tốt hoạt động của các trạm y tế lưu động; tăng cường nhân lực y tế theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của người bệnh; nâng cao năng lực điều trị, hạn chế thấp nhất bệnh nặng chuyển tầng điều trị cao hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế theo dõi, chỉ đạo các cơ sở điều trị đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho công tác điều trị, nhất là các trạm y tế theo dõi quản lý và điều trị F0 tại nhà; phối hợp với các Hội nghề nghiệp (Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Đông y...) cùng lực lượng y tế tư nhân với Tổ COVID cộng đồng trong việc phát hiện, điều trị và chuyển các trường hợp diễn tiến nặng đến cơ sở điều trị nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ bệnh trở nặng, tử vong tại cộng đồng. Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế cần rà soát những trường hợp chưa tiêm và tổ chức tiêm vaccine liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng.