Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.175 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam có 11.515.908 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.377 ca mắc).
Trong ngày,146 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi ở nước ta lên tới 10.608.488 ca. Hiện còn bệnh nhân đang thở ô xy (gồm 60 ca thở ô xy qua mặt nạ; 4 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 4 ca thở máy xâm lấn).
Ngày 29/11 có 70.157 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 264.309.544 liều. Trong đó, 222.897.678 liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên; 23.766.003 liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và 17.645.863 liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tăng cường tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Các lực lượng chức năng tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và hiệu quả của vaccine phòng bệnh.
Ngành Y tế củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các cơ sở y tế có năng lực; phối hợp với WHO rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chuẩn đoán bệnh.