Cùng với đó, Sở yêu cầu chỉ tổ chức điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi được sự đồng ý của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình.
Tiêu chí đối với người mắc COVID-19 được cách ly, chăm sóc tại nhà là người được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ. Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường; không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định. Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ thấp hoặc trung bình theo Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.
Người mắc COVID-19 có thể tự chăm sóc bản thân, tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính… Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc và đáp ứng được các tiêu chí do Sở Y tế quy định, nên hạn chế số lượng người chăm sóc.
Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà phải xác định, lập danh sách người mắc để quản lý tại nhà và hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe hàng ngày; hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà; khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà; phát hiện và xử trí diễn biến bất thường liên quan bệnh nền; xử trí cấp cứu, chuyển viện và xét nghiệm, tham mưu kết thúc cách ly đối với những người được điều trị tại nhà.
Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xây dựng hướng dẫn và kiểm tra giám sát công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các địa điểm cách ly người mắc COVID-19 tại nhà. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phổ biến, triển khai quy trình quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện; chỉ đạo, huy động các cơ sở y tế trên địa bàn hỗ trợ Trạm Y tế lưu động khi cần thiết...
Trong khi đó, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đến ngày 15/2, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron, đều là những trường hợp nhập cảnh đã được cách ly. Chưa phát hiện ca nhiễm Omicron trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, sau Tết, tình hình dịch trên địa bàn đang được kiểm soát tốt; qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân dân, người lao động, doanh nghiệp sớm ổn định, trở lại làm việc, góp phần giúp tỉnh tiếp tục phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2022.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, nhất là biến chủng Omicron đã xuất hiện, ngành chức năng cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết; đồng thời, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân chưa tiêm đủ 3 mũi.
Hiện, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 được 5,831,213 liều cho những người đủ điều kiện tiêm trên địa bàn.