Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Thọ, hai tuần gần đây tiến độ tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh giảm đáng kể so với trước đó; người dân vẫn còn lơ là, chủ quan với công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ thực tế này, Sở Y tế Phú Thọ vừa có văn bản khẩn đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng vừa họp để thông qua quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên người nhằm huy động tổng lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng
Theo Sở Y tế, đến nay toàn tỉnh còn tồn 80.724 liều vaccine phòng COVID-19 đang bảo quản tại kho vaccine của Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành. Công tác tiêm chủng đang chậm tiến độ so chỉ đạo của UBND tỉnh. Để đảm bảo đến hết ngày 31/8/2022 hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng đã được UBND tỉnh giao, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành, thị huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung cao nhất đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trên địa bàn nhằm đạt chỉ tiêu cơ bản về tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác tiêm chủng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ yêu cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến vaccine phòng COVID-19 để người dân hiểu rõ, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và trách nhiệm của mình, tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của từng cá nhân, gia đình và toàn thể cộng đồng trong công tác tiêm phòng; quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, các khu dân cư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh... thực hiện nêu gương, chủ động, tự giác tham gia tiêm chủng mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) đối với người trưởng thành và đồng ý cho con em mình từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1, mũi 2; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân, gia đình tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong tiêm chủng COVID-19.
Sở Y tế Phú Thọ cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục rà soát, theo dõi số liệu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý. Trong đó có nhóm trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Đồng thời thiết lập các đội tuyên truyền lưu động, vận động tiêm chủng đến từng địa bàn khu dân cư, đảm bảo 100% công nhân, người lao động được tiêm liều nhắc lại (mũi 3, mũi 4).
Sở cũng yêu cầu các Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành tiếp tục duy trì các điểm tiêm cố định; thiết lập bổ sung các điểm tiêm lưu động đến các khu vực trọng điểm, đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi tập trung đông đối tượng tiêm chủng. Tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng phải đảm bảo các điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 hoạt động 24/7...
Tỉnh phấn đấu đến hết ngày 31/8/2022 có 95% nhóm người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi nhắc lại lần 1 và 2 (mũi 3, mũi 4). Đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đủ điều kiện được tiêm mũi 3 đạt 95% và nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt tỷ lệ trẻ đủ điều kiện được tiêm mũi 1 đạt từ 95% và 95% tỷ lệ trẻ đủ điều kiện được tiêm mũi 2 ở cuối quý III/2022.
Huy động tổng lực cho phòng chống dịch bệnh
Nhằm huy động tổng lực cho phòng, chống dịch bệnh, ngày 4/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã thông qua quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên người tỉnh Phú Thọ, Ban gồm 20 thành viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban, hai Phó trưởng Ban là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Giám đốc Sở Y tế. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Sở y tế.
Ban Chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ là xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai quyết liệt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên người; phòng, chống dịch, chăm sóc y tế; bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện thông tin truyền thông; bảo đảm hậu cần phòng, chống dịch; tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ vận động, động viên, kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức xã-hội, tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, ủng hộ, tích cực tham gia và tự giác thực hiện phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo có trách nhiệm điều phối, phối hợp chặt chẽ hoạt động giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cấp ủy, HĐND, UBND các huyện, thị, thành và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong tổ chức triển khai kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch; đồng thời huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hợp pháp khác trong công tác phòng, chống dịch; kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, các địa phương và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch; điều động và hỗ trợ các nguồn lực khi cần thiết.
Với những giải pháp trước mắt và lâu dài, Phú Thọ phấn đấu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm xuống thấp nhất; đảm bảo bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.