Phú Thọ đang ở cấp độ 1 của dịch với 12/13 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 1; riêng huyện Thanh Thủy cấp độ 2. Toàn tỉnh có 3 xã ở cấp độ 3; 12 xã ở cấp độ 2; 210 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1.
Hiện Phú Thọ có 97,2% người trên 18 tuổi đã được tiêm đủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19; có 97,5% trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm 1 mũi, trong đó 57,2% trẻ được tiêm đủ hai mũi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại, tỉnh Phú Thọ đã, đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả mô hình điều trị F0 tại nhà.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Thọ cho biết, việc triển khai mô hình hình điều trị F0 tại nhà giúp giảm tải nhân lực, vật lực tại các cơ sở điều trị, từ đó tập trung nguồn lực để điều trị hiệu quả người mắc ở tầng cao hơn trong hệ thống tháp 3 tầng, cũng như đảm bảo nguồn lực cho công tác truy vết trong cộng đồng. Khi quản lý tốt các F0 điều trị tại nhà, người bệnh cũng cảm thấy thoải mái, an tâm điều trị và hiệu quả cũng khá tốt. Sau khi mở rộng việc tiêm vaccine, các ca mắc đa số là trường hợp không triệu chứng, do đó điều trị F0 tại nhà là phù hợp, thể hiện rõ nét nhất phương châm “4 tại chỗ” và là xu hướng tất yếu để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Lâm Thao là huyện ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Kể từ ngày 14/10 đến nay, toàn huyện đã ghi nhận gần 300 ca mắc COVID-19, trong đó trên 100 ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng đủ điều kiện được điều trị tại nhà.
Ông Phan Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao cho biết, để điều trị các trường hợp F0 tại nhà, huyện đã thành lập 13 trạm y tế lưu động tại các xã, thị trấn để theo dõi, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19, sẵn sàng điều trị, cấp cứu, vận chuyển F0 có diễn biến nặng lên... Huyện cũng phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng trong hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình, giám sát việc cách ly, điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 100 trường hợp F0 điều trị tại nhà khỏi bệnh.
Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu UBND các địa phương rà soát, kiện toàn, củng cố các tổ COVID cộng đồng trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho thành viên tổ COVID cộng đồng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc áp dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn. Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế tuyến huyện và các cơ quan liên quan trên địa bàn tổng hợp nhóm người có nguy cơ trên địa bàn gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trước ngày 15/1/2022; xây dựng kế hoạch, hoặc phương án quản lý, bảo vệ nhóm người nguy cơ mắc COVID-19 năm 2022 trên địa bàn cấp huyện.
Sở cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người thuộc nhóm nguy cơ vẫn chưa được tiêm, đảm bảo không bỏ sót đối tượng không có chống chỉ định; tổ chức đội tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được, hoàn thành trước ngày 10/1/2022; tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho tối thiểu 98% người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều theo hướng dẫn và tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế...